Hàng trăm ngàn người khắp thế giới tham gia vào khoảng 5.000 cuộc tuần hành ở 156 quốc gia trong ngày 20-9 nhằm kêu gọi hành động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Người tuần hành yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới tập trung cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (diễn ra ngày 23-9) và thông qua các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn thảm họa môi trường. Các cuộc tuần hành này - được truyền cảm hứng bởi em Greta Thunberg, một nhà hoạt động người Thụy Điển 16 tuổi, người được đề cử Giải Nobel Hòa bình cho hoạt động về khí hậu - sẽ đạt đỉnh điểm ở New York (Mỹ), nơi Thunberg dẫn đầu một cuộc tuần hành đến trụ sở của Liên Hiệp Quốc.
Các nhà tổ chức cho biết các cuộc tuần hành diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau trên khắp thế giới, tất cả đều nhằm mục đích thúc đẩy nhận thức về biến đổi khí hậu và yêu cầu hành động chính trị để hạn chế các yếu tố góp phần gây ra thảm họa. Giới khoa học cho biết sự nóng lên toàn cầu do khí nhà kính gây ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến hạn hán và sóng nhiệt, làm tan chảy sông băng, nước biển dâng và lũ lụt. Lượng khí thải carbon đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái, bất chấp cảnh báo từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn vào tháng 10 rằng sản lượng khí thải phải được cắt giảm trong 12 năm tới để ổn định khí hậu.
Cuộc tuần hành kêu gọi hành động ứng phó biến đổi khí hậu ở Sydney Ảnh: REUTERS
Một số cuộc tuần hành đầu tiên trong chiến dịch "biểu tình vì khí hậu toàn cầu" đã khởi động tại Sydney, thành phố lớn nhất của Úc, và thủ đô Canberra, sau đó diễn ra tại 110 thị trấn và thành phố khắp nước Úc. Những người phản đối ở Úc kêu gọi quốc gia của họ, nước xuất khẩu than và khí tự nhiên lớn nhất thế giới, có hành động quyết liệt hơn để giảm phát thải khí nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2030.
Theo hãng tin AP, ở Úc ước tính hơn 300.000 người đã tuần hành, lớn nhất kể từ sau các cuộc tụ tập bày tỏ sự phản đối chính phủ Úc gửi quân tham gia chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003. Một số công ty khuyến khích nhân viên của họ tham gia cuộc tuần hành vì khí hậu.
Các cuộc tuần hành tương tự đã được lên kế hoạch vào ngày 20-9 tại các thành phố trên toàn cầu. Tại Mỹ, hơn 800 sự kiện đã được lên kế hoạch trong khi hơn 400 cuộc tuần hành đã được dự kiến ở Đức.
Theo kênh Deutsche Welle, Kenya bắt đầu tham gia chiến dịch phản đối toàn cầu bằng một cuộc tuần hành ở thủ đô Nairobi, yêu cầu chính phủ chấm dứt kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than mới. Indonesia, Thái Lan, Bangladesh và Quần đảo Solomon cũng là những quốc gia đầu tiên tổ chức các cuộc tuần hành.
Tại thành phố Kolkata, miền Đông Ấn Độ, đám đông học sinh đã phát tờ rơi tại các bến xe buýt và giương cao biểu ngữ với các dòng chữ "Hãy cứu hành tinh của chúng ta", "Cứu thế giới của chúng ta". Ở Hồng Kông, một số người tạm ngưng phản ứng chống chính quyền để ủng hộ cuộc tuần hành vì khí hậu.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, bà Zheng Xiaowen thuộc Mạng lưới Hành động Khí hậu Thanh niên Trung Quốc cho biết giới trẻ nước này sẽ hành động bằng nhiều cách. "Thanh niên Trung Quốc có phương pháp riêng của họ. Chúng tôi cũng chú ý đến khí hậu và chúng tôi cũng đang suy nghĩ sâu sắc, tương tác, hành động và rất nhiều người ý thức cao về vấn đề này" - bà cho biết.
Bình luận (0)