Tình trạng hiếp dâm đang là mối quan tâm hàng đầu tại Ấn Độ. Trẻ em, phụ nữ Ấn Độ, thậm chí cả du khách nước ngoài, cũng trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công bạo lực này.
Thủ đô nguy hiểm
Hành động cưỡng hiếp và các tội ác liên quan đến giới tính được dư luận Ấn Độ hết sức chú ý trong mấy năm gần đây sau vụ cưỡng hiếp tập thể và giết chết 1 nữ sinh viên ở Delhi cuối năm 2012. Nhà chức trách Ấn Độ sau đó đã đưa ra một số đạo luật mới nhằm đối phó tệ nạn này. Tuy nhiên, những vụ tấn công tình dục thô bạo đối với phụ nữ và trẻ em vẫn liên tục xảy ra khắp Ấn Độ.
Cứ mỗi 2 phút lại có 1 phụ nữ ở Ấn Độ là nạn nhân của tội ác Ảnh: DPA
Theo thống kê, tại Ấn Độ, cứ 15 phút lại có 1 vụ hiếp dâm. Tỉ lệ hiếp dâm ở thủ đô New Delhi là cao nhất nên thành phố này còn có biệt danh “thủ đô hiếp dâm”. Đây thực sự là mảnh đất nguy hiểm nhất đối với phụ nữ khi năm 2015 xảy ra trên 9.100 vụ phạm tội tình dục được báo cáo, trong đó có gần 2.200 vụ cưỡng hiếp, tức 6 vụ/ngày.
Gần đây nhất, đài BBC đưa tin tối 15-9, 2 cô gái đã bị 5 gã thanh thiếu niên cưỡng hiếp ngay trước mặt 2 người bạn trai khi họ đang ngồi trò chuyện trong công viên ở khu vực Aman Vihar. Cảnh sát đã bắt được 4 gã - 2 trong số đó dưới 18 tuổi, còn 1 tên vẫn đang lẩn trốn. Hai người bạn trai đã bị đánh đập tàn nhẫn khi họ cố bảo vệ bạn gái.
Tại những nơi khác, các vụ hiếp dâm cũng xảy ra liên tục và đang là mối đe dọa nghiêm trọng với nữ giới. Bang Madhya Pradesh ở miền Trung Ấn Độ dẫn đầu danh sách các địa phương xảy ra nhiều vụ cưỡng hiếp nhất với gần 4.400 vụ. Kế đó là bang Maharashtra, nơi có Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ.
Báo Daily Mail (Anh) ngày 14-9 tường thuật chuyện một bé gái 11 tháng tuổi bị bắt cóc lúc nửa đêm khi ngủ cùng giường với cha mẹ và anh trai 4 tuổi. Cô bé bị cưỡng hiếp suốt gần 2 giờ trước khi được cảnh sát tìm thấy trong bụi cây, người đầy máu, quần áo bị xé nát. Thủ phạm là Vijay Singh, 42 tuổi, đã nhận hết tội lỗi và bị truy tố. Người mẹ 25 tuổi kể lại chị tỉnh giấc lúc 1 giờ và phát hiện con gái biến mất nên đã kêu cứu...
Nút báo hoảng sợ
Theo kênh Al Jazerra, Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) ngày 13-9 đã công bố ít nhất 34.651 trường hợp bị cưỡng hiếp ở nước này trong năm 2015, giảm nhẹ so với 36.735 vụ được báo cáo năm 2014. Nạn nhân là từ các bé gái dưới 6 tuổi đến những phụ nữ trên 60 tuổi. Trong đó, phụ nữ trong độ tuổi 18-30 chiếm đa số với gần 17.000 người. Đáng chú ý, trong 33.098 vụ cưỡng hiếp, nạn nhân có quen biết thủ phạm.
Ngoài ra, 4.437 vụ mưu toan cưỡng hiếp bất thành đã được báo cáo trong năm 2015. NCRB ghi nhận năm 2015, phụ nữ Ấn Độ hứng chịu 327.394 vụ phạm tội - trong đó có cưỡng hiếp, quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, bắt cóc...
Thế nhưng, các nhà bảo vệ nhân quyền cho rằng các con số nêu trên nhiều khả năng không phản ánh chính xác thực tế vì nhiều vụ cưỡng bức không được báo cáo. Bà Kavita Krishnan, Thư ký Hiệp hội Phụ nữ tiến bộ toàn Ấn Độ, khuyến cáo cần phải phân tích những con số này một cách thận trọng. Theo bà, số vụ cưỡng hiếp được báo cáo thấp hơn thực tế rất nhiều.
Nhiều vụ cưỡng hiếp không được báo cáo và vấn đề này đang ngày càng trở nên tệ hại. Thế nhưng, cưỡng hiếp chỉ là một phần trong số các tội phạm tình dục đối với phụ nữ. Nhà chức trách Ấn Độ ghi nhận trên 130.000 vụ tấn công phụ nữ trong năm 2015 không với ý định cưỡng hiếp họ.
Trong khi đó, nhật báo The Daily Beast cho biết theo tường trình của Tổ chức Ân xá quốc tế, nhà chức trách Ấn Độ đã không thi hành một cách hiệu quả những đạo luật mới để trừng trị các tội ác đối với phụ nữ. Con số thống kê về tội ác đối với phụ nữ thậm chí còn tệ hại hơn nữa: Cứ mỗi 2 phút lại có 1 phụ nữ ở Ấn Độ là nạn nhân của tội ác.
Theo bà Shreya Jani, người điều hành một tổ chức giáo dục phi chính phủ ở New Delhi, tình trạng quấy rối tình dục và lạm dụng trẻ em thực sự là một mối lo ở Ấn Độ. Tuy nhiên, báo cáo và thảo luận những loại tội ác như thế từng được xem là điều cấm kỵ. “Ngày càng có nhiều phụ nữ báo cáo những tội ác đó. Là phụ nữ Ấn Độ, trong chúng tôi tồn tại 2 điều trái ngược: sự mạnh mẽ và thái độ câm lặng. Tôi vui mừng vì nhiều phụ nữ trong xã hội chúng tôi đang phá vỡ sự câm lặng này” - bà Jani nhấn mạnh.
Bà Jani cho biết bà sợ phải đi trên những đường phố vắng vẻ bất cứ lúc nào dù ban ngày hay ban đêm. Bà cũng tuân theo những cảnh báo về an ninh cá nhân, như bảo đảm chắc chắn có người biết hoạt động của mình và điện thoại di động luôn sạc đầy pin.
Hồi tháng 6 năm nay, quốc hội Ấn Độ đã thông qua đạo luật lắp đặt các nút bấm báo hoảng sợ và những thiết bị khẩn cấp khác trên xe buýt để phụ nữ thông báo cho cảnh sát nếu họ đối mặt với bạo lực tình dục. Ấn Độ còn ban hành quy định đòi hỏi mọi điện thoại di động bán ở nước này từ năm 2017 đều phải có nút báo hoảng sợ. Chưa hết, từ năm 2018, điện thoại di động lưu hành ở Ấn Độ còn phải bao gồm cả hệ thống định vị GPS.
Kỳ tới: Gian nan mưu sinh
Không được tôn trọng
Có người đưa ra tình trạng nam thừa nữ thiếu để giải thích tệ nạn cưỡng hiếp ở Ấn Độ. Ngoài ra, theo báo The Daily Beast, hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ có thể lý giải tình trạng phụ nữ bị đối xử tồi tệ cũng như phải hứng chịu bạo lực. Ở nước này có câu thành ngữ: “Nuôi dạy con gái giống như tưới nước cho cây trồng của nhà hàng xóm”.
Thực tế, xã hội Ấn Độ đặt phụ nữ thấp hơn nam giới. Hơn nữa, nhiều quyển sách ở Ấn Độ cũng thể hiện thiếu tôn trọng đối với phụ nữ. Đơn cử, cuốn 13, chương 40 thiên sử thi “Mahabharata” viết: “Không có sinh vật nào tội lỗi hơn phụ nữ. Cô nàng là thuốc độc, là con rắn”. Một đoạn văn khác thì khẳng định: “Phụ nữ sống dối trá”…
Bình luận (0)