Ông Abbott công bố quyết định nói trên đúng vào ngày Quốc khánh Úc hôm 26-1 với lý do vị hoàng thân 93 tuổi đã có nhiều cống hiến trong cuộc sống và đáng được người Úc tôn vinh.
Nhiều chính trị gia đối lập không nghĩ như vậy. Ông Bill Shorten, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập, cho rằng trao giải thưởng danh dự hàng đầu của Úc cho một nhân vật hoàng gia Anh vào dịp quốc khánh Úc là không đúng lúc. Trong khi ông Shorten chế nhạo đây là trò đùa thì vài chính trị gia giấu tên cho đó là động thái “ngu ngốc” và “gần như không thể giải thích cho người dân Úc hiểu điều này”.
Ngay cả một số thành viên thuộc Liên đảng Tự do - Quốc gia do ông Abbott dẫn đầu cũng không chấp nhận. Chẳng hạn, nghị sĩ Warren Entsch than phiền: “Cả đời này tôi cũng không thể hiểu tại sao ông Abbott lại phong tước hiệp sĩ cho một thành viên hoàng gia Anh”.
Úc trở thành quốc gia độc lập đã 114 năm nhưng vẫn thuộc khối Thịnh vượng chung và Nữ hoàng Elizabeth là nữ hoàng chính thức của Úc. Năm 1999, Úc tổ chức trưng cầu dân ý về việc cắt đứt mối dây liên hệ với hoàng gia Anh nhưng không thành công.
Những thăm dò gần đây cho thấy khoảng 40% dân Úc ủng hộ nước này đi theo đường lối cộng hòa. Tuy nhiên, là một người bảo hoàng, ông Abbott bất ngờ sử dụng lại hệ thống tước hiệu và hiệp sĩ vào năm ngoái bất chấp nhiều chỉ trích.
Cũng có nhiều người ủng hộ quyết định lần này của Thủ tướng Abbott. Nghị sĩ Đảng Tự do Michaelia Cash nói hoàng thân Philip “vô cùng xứng đáng” với giải thưởng danh dự vì những đóng góp của ông tại Úc nhiều năm qua. Có quan điểm tương tự nhưng Bộ trưởng Tài chính Mathias Cormann không dính vào tranh cãi.
Những người ủng hộ chế độ quân chủ bảo vệ việc phong hiệp sĩ cho hoàng thân Philip bằng cách chỉ ra một số nhân vật nước ngoài được trao các giải thưởng danh dự của Úc, như cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Thái tử Charles của Anh cũng đã được Úc phong tước hiệp sĩ.
Bình luận (0)