Theo đài RT ngày 10-1, Thiếu tướng Thompson từng là Tham mưu trưởng tại Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ ở Ohio. Trong một bài viết đăng trên The Hill vào ngày 10-1, ông Thompson cho rằng giới chức quân sự Mỹ đã lơ là trong việc phát triển hệ thống phòng thủ để đối phó với mối đe dọa mang tên vũ khí siêu thanh, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc.
Cũng theo RT, tính riêng năm ngoái, Trung Quốc tiến hành nhiều vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh hơn Mỹ tiến hành trong một thập kỷ. Trong khi đó, Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Avangard vào tháng 12-2018 và dự kiến triển khai nó trong năm 2019.
Hiện tại, các cảm biến và radar của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ chỉ được thiết kế với một mục đích duy nhất: Đối phó với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Iran và Triều Tiên. Thông thường, theo RT, ICBM có đường bay có thể đoán trước được và chúng không phải là một trở ngại quá lớn đối với tổ hợp tên lửa phòng thủ Patriot cùng với Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Ảnh mô phỏng tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh thì khác. Những tên lửa như Avangard bay thấp và nhanh khủng khiếp, có thể "qua mặt" radar, xuyên thủng hệ thống phòng không của địch.
"Thực tế khó chấp nhận là hệ thống phòng không hiện tại, cũng như tư duy hoạt động của chúng ta, không thể đối phó với mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh" – Thiếu tướng về hưu Thompson khẳng định.
Mặc dù Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch triển khai vũ khí siêu thanh trước 2025 và đã đạt được những bước tiến nhất định trong quá trình phát triển hệ thống đánh chặn vũ khí siêu thanh, ông Thompson cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ cùng với các công ty vũ khí phải tích cực hợp tác hơn nữa để đối phó với Nga và Trung Quốc.
Bình luận (0)