Trong thông điệp liên bang đầu tháng 3 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo một loạt vũ khí mới, trong đó có tên lửa siêu thanh mà ông khẳng định là "bất bại" trước các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Khoảng 1 tuần sau đó, Nga tuyên bố thử nghiệm thành công 1 tên lửa siêu thanh. Trước đó, hồi tháng 11-2017, Trung Quốc đã thực hiện 2 thử nghiệm tên lửa siêu thanh mà theo đánh giá của Mỹ là có thể bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020. Trong giai đoạn 2014-2016, nước này thực hiện ít nhất 7 vụ thử nghiệm liên quan đến công nghệ này.
Vào thời điểm nhà lãnh đạo Nga khoe vũ khí hiện đại, theo trang The Hill, Lầu Năm Góc quả quyết "không hề ngạc nhiên" và trấn an công chúng rằng quân đội Mỹ đã sẵn sàng ứng phó.
Tuy nhiên, tại buổi điều trần quốc hội vào tuần rồi, tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, cảnh báo Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí siêu thanh mà các thế hệ vệ tinh, radar của Mỹ hiện không thể phát hiện được. Vì thế, theo đài CNN, tướng Hyten và các quan chức quốc phòng khác của Mỹ thúc giục phải khẩn cấp thay đổi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal trang bị trên chiến đấu cơ MIG-31 Ảnh: RAF
"Lúc này đây, chúng ta bất lực" - thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe, thành viên Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, thừa nhận khi lên tiếng ủng hộ đầu tư nhiều hơn vào vũ khí siêu thanh và nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến.
Ông Thomas Karako, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cũng cho rằng Washington thực sự tụt hậu so với Moscow và Bắc Kinh về vũ khí siêu thanh. Một phần nguyên nhân là Mỹ không đầu tư đủ mạnh để phát triển năng lực tên lửa siêu thanh và những hệ thống cần thiết để bắn hạ chúng.
Đáp lại những chỉ trích trên, giới chức Lầu Năm Góc cho biết đề xuất ngân sách sắp tới sẽ dành nhiều tiền hơn để thu hẹp khoảng cách với Nga và Trung Quốc. Chẳng hạn, ngân sách của tài khóa 2019 có khoản tiền 256,7 triệu USD dùng để phát triển tên lửa siêu thanh.
Bình luận (0)