Các chuyên gia phân tích quân sự Nga đã phát hiện "cả tiềm năng hỏa lực lẫn khả năng tính toán dữ liệu của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ hiện nay đều không thể đối phó với một cuộc tấn công lớn từ lực lượng hạt nhân Nga", ông Karakaev nói trong cuộc họp báo hôm 16-12.
Chỉ huy RSMT dẫn dự đoán của các chuyên gia Mỹ nói rằng một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả phải bao gồm nhiều phương tiện đánh chặn tên lửa khác nhau - có thể là hệ thống động lực hoặc laser - và triển khai trong mọi môi trường, kể cả không gian. Tuy nhiên, lá chắn của Mỹ không hội đủ các điều kiện vừa nêu, theo ông Karakaev.
Vị tướng này nói thêm RSMT lập kế hoạch phát triển lâu dài, trong đó có việc xem xét quy mô và tốc độ phát triển của lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ.
Theo ông Karakaev, tên lửa đạn đạo chỉ được sử dụng nếu có lệnh của tư lệnh tối cao, tức tổng thống Nga. Ông cũng nói không cần sử dụng tên lửa chiến lược với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cũng theo ông Karakaev, RSMT dự kiến giới thiệu một số phương tiện và kỹ thuật mới, hiệu quả để xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào, đồng thời nhấn mạnh tên lửa đạn đạo Nga có thể vươn tới bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.
Ông Karakaev cho biết ICBM hiện chiếm tới 56% kho vũ khí hạt nhân của Nga và đến năm 2022, tất cả các hệ thống tên lửa đạn đạo lỗi thời sẽ được thay thế.
Ngoài ra, Moscow vào năm tới sẽ thử nghiệm toàn diện hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat ở dàn phóng Plesetsk, trong khi tàu tên lửa Barguzin cũng đã hoàn thành và đang được kiểm tra kỹ thuật trước khi thử nghiệm.
Ông Karakaev ước tính có tối thiểu 4-5 trung đoàn tên lửa di động Yars được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga mỗi năm. Hồi tháng 6, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới vào kho vũ khí hạt nhân của nước này trong năm 2015.
Tính đến cuối năm nay, RSMT sẽ thực hiện tổng cộng 7 vụ phóng thử tên lửa (vụ cuối cùng diễn ra cuối tháng 12 tới). Năm 2016, số vụ thử nghiệm sẽ tăng lên con số 16.
Bình luận (0)