Vì thế, dư luận chuyển sang săm soi 2 ứng viên hàng đầu: đương kim Thủ tướng David Cameron, lãnh đạo Đảng Bảo thủ và đối thủ Ed Miliband, thủ lĩnh Công đảng.
Dù cả 2 chính khách đều tốt nghiệp Trường ĐH Oxford nổi tiếng và có sự nghiệp thăng tiến nhanh chóng nhưng giữa họ tồn tại nhiều khác biệt. Trong lúc ông Cameron, 48 tuổi, thuộc dòng dõi thượng lưu và từng theo học trường nội trú Eton danh giá thì ông Miliband, 45 tuổi, chỉ là con trai của một nhà sử học Do Thái chạy tị nạn sang Anh hồi Thế chiến II.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và đối thủ Ed Miliband
Ảnh: NEW YORK DAILY NEWS
Những chính sách mà họ cổ xúy cũng cho thấy sự tương phản. Ông Cameron tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của thắt lưng buộc bụng và giảm thâm hụt ngân sách, bất chấp lập trường này khiến phe Bảo thủ bị chỉ trích là ưu ái người giàu, bỏ rơi người nghèo và thờ ơ với tình trạng bất bình đẳng.
Trái lại, ông Miliband bị xem là “quá thiên tả”, dẫn đến những cáo buộc như hờ hững trước thâm hụt ngân sách, không thân thiện với doanh nghiệp, không ưa người giàu, đồng thời ủng hộ nhà nước can thiệp mạnh mẽ hơn vào gần như mọi lĩnh vực, từ năng lượng cho tới nhà đất. Dù vậy, lợi thế của ông là “tình yêu” mà nhiều cô gái bày tỏ trên mạng xã hội Twitter.
Báo The New York Times nhận định những yếu tố trên khiến cả Đảng Bảo thủ và Công đảng khó lòng thu hút thêm cử tri. Chúng cũng giúp lý giải vì sao chính trường Anh chia rẽ dù thực tế cần họ thống nhất quan điểm về một loạt vấn đề lớn, từ vị trí của Anh trong Liên minh châu Âu cho đến sự đi - ở của Scotland trong Vương quốc Anh.
Với dự đoán Đảng Bảo thủ và Công đảng đều không giành đủ 326/650 ghế tại Hạ viện để tự đứng ra lập chính phủ, xem ra người dân Anh phải mất thêm một thời gian nữa mới biết lãnh đạo tiếp theo của mình là “gương mặt thân quen” Cameron hay “người mới” Miliband.
Bình luận (0)