Giá dầu thế giới vẫn chưa có có dấu hiệu hồi phục giữa lúc có những nỗi lo về sự chênh lệch cung - cầu trên toàn cầu sẽ chỉ gia tăng trong thời gian tới.
Theo báo The Wall Street Journal, giá dầu Brent tại thị trường London - Anh hôm 21-12 có lúc giảm chỉ còn 36,17 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 7-2004. Con số này thậm chí còn thấp hơn cả giá dầu vào thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong khi đó, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ có thời điểm chỉ còn 34,37 USD/thùng.
Viễn cảnh thị trường dầu vẫn còn u ám đối với nhà sản xuất dầu, không chỉ bởi tình trạng cung vượt cầu mà còn vì đồng USD mạnh lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản vào tuần rồi. Giới phân tích giải thích đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những nước sử dụng tiền tệ khác, làm ảnh hưởng đến nhu cầu.
Ngoài ra, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ trong tuần rồi tăng thêm 17 giàn, lên tổng số 541 sau 4 tuần sụt giảm liên tiếp.
“Số giàn khoan gia tăng dù giá dầu vẫn thấp cho thấy các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ quyết tâm duy trì sản lượng. Trong khi đó, dự trữ dầu thô của nước này hiện đạt 491 triệu thùng, mức cao nhất vào thời điểm này trong năm kể từ năm 1930” - ngân hàng ANZ nhận định với hãng tin Reuters.
Một diễn biến khác là thế giới có thể sắp có nguồn cung mới từ Iran và Mỹ giữa lúc các nhà sản xuất lớn, trong đó có Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), tiếp tục bơm ra thị trường hàng trăm ngàn thùng dầu nhiều hơn nhu cầu mỗi ngày.
Theo thống kê, sản lượng dầu của Nga đã vượt 10 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Trong khi đó, OPEC quyết duy trì sản lượng ở gần mức kỷ lục là trên 31,5 triệu thùng/ngày để vừa giữ thị phần vừa đấu với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Sẽ càng thừa mứa hơn khi Iran hy vọng sớm gia tăng xuất khẩu dầu vào đầu năm 2016 nhờ các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ được dỡ bỏ. Đã vậy, Mỹ vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu áp đặt 40 năm qua khiến một phần dầu dư thừa trong nước có thể chảy ra thị trường.
Cung tăng không ngừng trong khi phần lớn Bắc bán cầu đang trải qua một mùa đông không lạnh như thường lệ, một phần do hiện tượng thời tiết El Nino, nên nhu cầu về dầu sưởi ấm sụt giảm.
“Thị trường hiện khá yếu và giá dầu Brent có thể giảm xuống 35 USD/thùng trong tương lai gần” - ông Daniel Ang, nhà phân tích năng lượng của Công ty Phillip Futures (Singapore), nhận định. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s vào tuần rồi dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức 43 USD/thùng trong năm 2016. Bi quan hơn, Goldman Sachs thậm chí đề cập khả năng giá dầu chỉ còn 20 USD/thùng trong năm 2016.
Ngoài ra, các nhà phân tích tại Ngân hàng Barclays (Anh) cảnh báo nguy cơ không đủ chỗ chứa cho lượng dầu khai thác dư thừa trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iraq Adel Abdul Mahdi hôm 21-12 dù không đưa ra con số cụ thể song vẫn bày tỏ hy vọng giá dầu sẽ hồi phục trong năm 2016 do tăng trưởng kinh tế thế giới được cải thiện.
Bình luận (0)