Chính phủ của Thủ tướng Úc Scott Morrison đã hứa hẹn cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước láng giềng trong năm 2021. Đây là một phần gói hỗ trợ trị giá 500 triệu AUD nhằm đạt mục tiêu chủng ngừa toàn bộ khu vực.
Ngoài ra, Úc gần đây còn ký với Fiji thỏa thuận, theo đó tạo điều kiện cho các nhân viên quốc phòng hai nước tham gia các hoạt động trao đổi và triển khai chung, cũng như cho phép lực lượng quốc phòng hai bên thực thi quyền tài phán của nhau.
Chuyên gia Jonathan Pryke của Viện Lowy (Úc) nhận định với trang Bloomberg rằng Trung Quốc không làm gì nhiều về chuyện cung cấp hỗ trợ liên quan đến Covid-19 cho khu vực. Trái lại, Úc chứng tỏ họ không quên các đảo quốc ở Thái Bình Dương khi khủng hoảng xảy ra.
Chính quyền Thủ tướng Úc Scott Morrison cam kết cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước láng giềng trong năm 2021. Ảnh: Reuters
Trong thập kỷ qua, ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương khiến Úc và Mỹ không khỏi lo ngại.
Các nhà ngoại giao và quan chức tình báo Úc, Mỹ lo ngại mục tiêu sau cùng của Bắc Kinh là lập một căn cứ hải quân tại khu vực, qua đó làm xáo trộn các chiến lược quân sự của họ.
Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng nói trên diễn ra giữa lúc quan hệ Úc - Trung Quốc ngày một căng thẳng. Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt thương mại nhằm vào Canberra để đáp trả quyết định của Thủ tướng Morrison về việc tìm kiếm cuộc điều tra độc lập nguồn gốc virus gây Covid-19.
Chính sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 lại đang giúp Úc chiếm lợi thế trên sân nhà. Các đảo quốc Thái Bình Dương buộc phải nói không với các chuyến bay và du thuyền đến từ bên ngoài để ngăn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, các công nhân Trung Quốc tham gia những dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) buộc phải trở về nhà. Bắc Kinh cũng giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao tại 10 đảo quốc Thái Bình Dương.
Tại Papua New Guinea, các dự án hạ tầng lớn được sự tài trợ của Bắc Kinh đã bị đình trệ sau khi công nhân Trung Quốc rời đi.
Dĩ nhiên là Trung Quốc không hoàn toàn chịu ngồi yên. Nước này đã bổ nhiệm đại sứ đến 2 nước cắt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang công nhận Bắc Kinh vào năm 2019, gồm Quần đảo Solomon và Kiribati.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh chia sẻ kinh nghiệm y tế và cung cấp vật tư y tế cho các nước trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, theo Bắc Kinh, các dự án BRI vẫn "tiến triển ổn định".
Trung Quốc gần đây đã ký bản ghi nhớ với Papua New Guinea về việc xây dựng khu liên hợp chế biến hải sản trên đảo Daru, chỉ cách lục địa Úc 200km. Thỏa thuận này có thể có những tác động địa chính trị phức tạp tại khu vực.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng dịch Covid-19 sẽ không ngăn Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược gia tăng ảnh hưởng tại Nam Thái Bình Dương. Vì thế, dưới thời chính quyền ông Joe Biden, Mỹ có cơ hội cho các nước tại đó biết được họ nên lựa chọn bắt tay với ai.
Các nhà lập pháp tại Washington và Canberra lâu nay khuyến cáo các nước đang phát triển không nên vay tiền Trung Quốc với lý do Bắc Kinh có thể sử dụng các khoản nợ như một đòn bẩy địa chính trị.
Theo dữ liệu của Viện Lowy, Trung Quốc đã chi ít nhất 1,7 tỉ USD cho các khoản viện trợ và vay dành cho các đảo quốc Thái Bình Dương trong thập kỷ qua. Trong khi đó, Úc hồi năm 2018 công bố quỹ hạ tầng trị giá 2 tỉ AUD cho khu vực này.
Ông Pryke dự báo rằng nỗ lực phục hồi của các nước sau đại dịch sẽ khiến cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Thái Bình Dương thêm khốc liệt.
Khi đó, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng tác động của Covid-19 khiến các nước dễ bị tổn thương và cần được bên ngoài viện trợ và cho vay tiền. Đó chính là cơ hội để Bắc Kinh thúc đẩy hơn nữa lợi ích của mình.
Bình luận (0)