Theo ông Birmingham, việc đa dạng hóa thị trường sẽ được khuyến khích để đối phó với yếu tố "rủi ro" từ hoạt động giao thương với Trung Quốc.
Phát biểu trên đài truyền hình ABC, Bộ trưởng Birmingham còn tuyên bố rằng Canberra bảo lưu quyền kiện Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu lúa mạch Úc bị Trung Quốc áp thuế.
"Vấn đề liên quan đến việc sử dụng hệ thống thương mại quốc tế dựa trên quy tắc mà chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ, để bảo đảm rằng khi chúng tôi nghĩ mọi chuyện đang diễn ra ngoài khuôn khổ của những quy tắc này, chúng tôi có thể trình lên họ và tìm kiếm giải pháp thông qua một trọng tài độc lập" - ông Birmingham khẳng định, đồng thời bác đề xuất giải quyết tranh chấp bằng việc để Bắc Kinh áp thuế lên lúa mạch giá thấp.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc. Ảnh chụp bò Úc cập cảng TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Cũng theo ông Birmingham, mặc dù Úc để mở khả năng đàm phán và hoạt động liên lạc giữa 2 chính phủ vẫn đang tiếp diễn, người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn vẫn chưa hồi đáp cuộc gọi của ông để bàn về tình hình thương mại leo thang căng thẳng.
Trước đó, sau khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Cheng Jingye đã đe dọa tẩy chay hàng hóa nước này. Kể từ đó, Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến thịt của Úc và đang cân nhắc áp thuế 80% lên lúa mạch Úc.
Trong khi đó, lãnh đạo liên minh chính trị Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu, ông Manfred Weber, hôm 17-5 kêu gọi khối Liên minh châu Âu (EU) ban bố lệnh cấm 12 tháng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại doanh nghiệp châu Âu.
Khẳng định các công ty Trung Quốc, một phần được hỗ trợ từ các quỹ nhà nước, đang nỗ lực thâu tóm các công ty châu Âu bị xuống giá hoặc gặp khó khăn tài chính vì khủng hoảng Covid-19, ông Weber nhấn mạnh EU cần hành động phối hợp để "chấm dứt làn sóng thu mua này".
"Chúng ta phải tự cứu mình… Chúng ta phải cảnh giác" - ông Weber cảnh báo, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ là đối thủ kinh tế - xã hội và chính trị lớn nhất của châu Âu trong tương lai.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính phủ Đức đồng ý thắt chặt quy tắc để bảo vệ các công ty nội địa trước nguy cơ bị thâu tóm không mong muốn từ các nhà đầu tư ngoài khối EU. Động thái này diễn ra trong lúc Đức nói riêng và EU nói chung đang xem xét lại các mối quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh đầu tư từ những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào các lĩnh vực quan trọng ngày càng tăng.
Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, mới đây cáo buộc Bắc Kinh đang nỗ lực lợi dụng sự khác biệt về quan điểm của 27 nước thành viên EU để đạt được những lợi ích riêng. Ông Borrell kêu gọi EU duy trì kỷ cương tập thể để đối phó với Bắc Kinh.
"Phát triển một hướng tiếp cận chung của EU với các cường quốc không bao giờ là điều dễ dàng, bởi mỗi nước thành viên đều có những quan điểm và sự nhạy cảm riêng. Trung Quốc không phải là một trường hợp ngoại lệ. Hơn thế nữa, họ đôi khi không ngần ngại tận dụng những điểm khác biệt đó" - chính trị gia người Tây Ban Nha nói.
Bình luận (0)