Trước tin đồn chính phủ Úc phát hiện ra chiếc máy bay bị mất tích ở gần lãnh thổ nước này, ông Abbott khẳng định với phóng viên: “Tôi không có bất kỳ thông tin nào về việc đó. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xem xét các dữ liệu của họ (Malaysia) để giúp làm sáng tỏ vụ việc".
Thủ tướng Abbott cho biết thêm vụ việc có thể dẫn đến những thay đổi về quy trình giám sát máy bay trong tương lai. “Sẽ có nhiều điều để nói sau sự kiện bí ẩn này và nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, đặc biệt là trong khía cạnh giám sát hàng không” – ông Abbott nhận định.
Ông cũng nói Canberra sẽ phụ trách tìm kiếm "mạn phía Nam" trong bối cảnh hiện có 25 quốc gia tham gia chiến dịch truy lùng chiếc máy bay mất tích.
Một phi công Malaysia đang nghiên cứu bản đồ trên máy bay phản lực Gulfstream V của Cảnh sát biển Nhật Bản trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Ảnh: Reuters
Úc đã cử 2 máy bay do thám Orion hỗ trợ công cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 và một trong hai chiếc này đã chuyển đến Ấn Độ Dương.
Trong số 239 hành khách mất tích có 6 người mang quốc tịch Úc. David Lawton, anh trai một nạn nhân trên chuyến bay MH370 nói: “Tôi vẫn chưa biết nguyên nhân khiến máy bay mất tích. Dự đoán nó bị “không tặc” khiến chúng tôi có thêm hy vọng. Vào thời buổi công nghệ, họ nghĩ sẽ nhanh chóng tìm ra chiếc máy bay nhưng cho tới giờ cuộc tìm kiếm vẫn không tiến triển”.
Trong khi đó, chính phủ Malaysia tiết lộ cuộc điều tra đang tập trung về phía bắc Trung Á và nam Ấn Độ Dương, các địa điểm chiếc máy bay có thể đã đến sau khi bị cố tình chuyển hướng và bay thêm nhiều giờ.
Hải quân và Không quân Malaysia đã triển khai lực lượng xuống hành lang bay phía Nam hôm 17-3. Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Kazakhstan khẳng định MH370 không thể vào không phận nước này mà không bị phát hiện. Hơn nữa, muốn đến nước này, MH370 phải bay qua Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác.
Phía Pakistan cũng đã kiểm tra radar và tuyên bố "không tìm thấy gì" liên quan đến chuyến bay mất tích bí ẩn.
Bình luận (0)