Dù vậy, ông Abbott nhấn mạnh Úc không thể nói lời xin lỗi vì những nỗ lực bảo vệ đất nước. Thay vào đó, ông cam kết sẽ không có hành động hoặc lời nói gì gây tổn hại quan hệ song phương đang được cải thiện.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Yudhoyono triệu đại sứ tại Canberra về nước, đồng thời cảnh báo quan hệ song phương có thể bị tổn hại. Nhà lãnh đạo Indonesia còn cho xem xét lại các lĩnh vực hợp tác với Úc trong khi chờ phản ứng chính thức từ Canberra.
Trước đó, Indonesia cũng triệu đại sứ Úc tại Jakarta để chất vấn. Phe đối lập thậm chí còn thúc giục chính phủ phản ứng mạnh mẽ hơn, như trục xuất đại sứ Úc về nước để chứng tỏ Indonesia là đất nước có chủ quyền.
Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono Ảnh: Reuters
Quan hệ Úc - Indonesia trở nên căng thẳng sau khi truyền thông Úc tiết lộ các cơ quan tình báo nước này nghe lén điện thoại ông Yudhoyono và vợ, Phó Tổng thống Boediono và các bộ trưởng của Indonesia. Trong đó, di động của ông Yudhoyono bị theo dõi 15 ngày trong tháng 8-2009, theo tài liệu mật từ “người thổi còi” Edward Snowden do đài ABC đăng tải.
Các cáo buộc trên có thể khiến ông Abbott gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận thương mại tự do với Indonesia. Ngoài ra, chính phủ Úc còn cần sự giúp đỡ của Jakarta trong việc ngăn chặn thuyền chở người tị nạn đến nước này.
Ông Zareh Ghazarian, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Monash, nói với hãng tin Bloomberg: “Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng các nước không do thám lẫn nhau nhưng bị phơi bày thì không có gì hay ho. Nó có thể khiến Indonesia cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán song phương”.
Bình luận (0)