Theo thỏa thuận, Úc sẽ chi trả 2/3 chi phí của dự án trị giá 136,6 triệu AUD (100 triệu USD) nói trên. Đề cập đến dự án cáp dài 4.000 km từng được Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) lên kế hoạch, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho hay: "Chúng tôi chi hàng tỉ USD viện trợ nước ngoài hằng năm và đây là cách thiết thực để đầu tư cho sự tăng trưởng kinh tế của các nước láng giềng ở Thái Bình Dương".
Dự án này kết nối cáp từ hai quốc đảo trên đến Úc, ngoài ra còn nối từ thủ đô Honiara của Solomon đến các đảo vòng ngoài.
Hành động của Úc nhằm cản chân Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương - khu vực được xem là sân sau của Úc. Mối quan hệ Trung - Úc có dấu hiệu rạn nứt sau khi Thủ tướng Turnbull hồi năm ngoái cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề của Canberra. Dưới áp lực của Úc, Solomon hủy thỏa thuận ký với Huawei vào năm 2016.
Từ trái qua: Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill, người đồng cấp Úc Malcolm Turnbull và ông Rick Houenipwela tại Úc hôm 11-7 Ảnh: EPA
Trong nhiều năm qua, các cơ quan tình báo phương Tây lo ngại mối quan hệ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc cũng như nguy cơ những thiết bị của tập đoàn này được dùng cho hoạt động gián điệp. Bản thân Úc cũng xem xét cấm Huawei tham gia xây dựng mạng di động 5G sau khi nhận được cảnh báo từ tình báo trong nước.
Thái độ cứng rắn của Úc (và cả New Zealand) bị tờ báo diều hâu Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo là "sai lầm chiến lược", nhất là sau khi có thông tin hai nước lớn ở Nam Thái Bình Dương này sẽ ký hiệp ước an ninh mới với các đảo quốc trong khu vực trong năm nay. Với tên gọi Biketawa Plus, hiệp ước trên nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở đây.
Bình luận (0)