Theo báo The Moscow Times, Điện Kremlin dẫn lời phái đoàn đàm phán Nga ngày 16-3 xác nhận họ muốn Ukraine theo "mô hình trung lập Áo - Thụy Điển" như một sự thỏa hiệp trong quá trình đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài từ ngày 24-2.
Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ đề xuất trên.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky trước đó nói rằng "mô hình trung lập Áo - Thụy Điển" là "một nhà nước trung lập và phi quân sự nhưng vẫn có quân đội và hải quân riêng".
Ông Medinsky cho hay tất cả vấn đề này đang được thảo luận ở cấp lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine. Quan chức này thừa nhận các cuộc đàm phán diễn ra "chậm chạp và khó khăn" nhưng khẳng định Điện Kremlin "muốn hòa bình càng sớm càng tốt".
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky. Ảnh: Moskva News Agency
Ngoài quan điểm trung lập đối với Ukraine, ông Medinsky cho biết thêm hai bên còn thảo luận các vấn đề bao gồm tình trạng của bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ mà phe ly khai thân Nga nắm giữ ở miền Đông Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lưu ý tình trạng trung lập của Ukraine là vấn đề mấu chốt được thảo luận tại các cuộc đàm phán giữa hai bên. Ông Lavrov ngày 16-3 tiết lộ Moscow và Kiev "gần đồng ý về cách diễn đạt của một thỏa thuận trung lập".
Song nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine Mikhailo Podolyak nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa Kiev với Moscow nhằm chấm dứt giao tranh nên tập trung vào việc “đảm bảo an ninh”.
"Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh trực tiếp với Nga. Do đó, mô hình chỉ có thể là "người Ukraine" và chỉ dựa trên các đảm bảo an ninh đã được xác minh hợp pháp" - ông Podolyak tuyên bố.
Ukraine cho biết họ muốn an ninh của mình được đảm bảo bởi các lực lượng quốc tế và bác bỏ đề xuất do Nga thúc đẩy, qua đó áp dụng quy chế trung lập tương tự Áo hoặc Thụy Điển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng trích dẫn lý do Ukraine muốn gia nhập NATO để tấn công nước láng giềng này. Ảnh: Reuters
Thụy Điển không phải là thành viên của NATO nhưng là đối tác của liên minh này trong gần 30 năm qua và đứng trung lập trong thời chiến trước năm 1992. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, Thụy Điển cắt giảm chi tiêu quân sự và chỉ bắt đầu tái đầu tư vào quốc phòng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Ngày 15-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thừa nhận Kiev khó có thể đạt được mục tiêu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bình luận (0)