Ông Oleksander Turchynov - Tổng thống lâm thời Ukraine ngày 28-2 cáo buộc Nga đang triển khai quân rầm rộ đến Crimea và khiêu khích Kiev vào cuộc “xung đột vũ trang”. Phát biểu trên truyền hình, ông Oleksander Turchynov nói rằng Nga muốn chính phủ lâm thời Ukraine bị khiêu khích, lao vào cuộc chiến để họ có cớ xác nhập Crimea.
Lực lượng vũ trang chưa xác định vẫn tuần tra tại sân bay ở Symferopol, Crimea. Ảnh: Reuters
13 máy bay Nga được cho là hạ cánh xuống một căn cứ không quân gần Simferopol, thủ phủ khu tự trị Crimea mang theo 150 binh sĩ trên mỗi máy bay.
Hơn 10 máy bay trực thăng quân sự Nga bay vòng bán đảo Crimea và một đơn vị biên phòng Ukraine tại thành phố cảng Sevastopol đã bị phong toả. Một số nhân chứng cũng cho biết nhìn thấy xe bọc thép của Nga và ít nhất một tàu chiến tuần tra. Tổng thống Oleksander Turchinov còn cáo buộc Nga đang theo một kịch bản cũ trước khi đi đến chiến tranh chớp nhoáng với Georgia như năm 2008.
Ông này kêu gọi Tổng thống Nga Putin “chấm dứt các hành động khiêu khích và bắt đầu đàm phán”. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng chính thức lên tiếng phản đối Nga vì "vi phạm không phận của Ukraine" sau khi 10 trực thăng nước này vượt qua biên giới.
Trong khi đó, Bộ ngoại giao Nga đã lên tiếng xác nhận đang di chuyển quân vào Crimea. Tuy nhiên, mục đích không phải khiêu khích hay xâm lược như Ukraine lên án mà nhằm bảo vệ các vị trí của Hạm đội Biển Đen. “Phía Ukraine đã được thông báo về sự chuyển động của xe bọc thép Hạm đội Biển Đen ở Crimea. Các hoạt động diễn ra theo đúng trong thỏa thuận giữ Nga và Ukraine về hạm đội này” - văn bản đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn viết. Tuy nhiên, Bộ này cũng cho biết họ đã từ chối yêu cầu của Ukraine về "tham vấn song phương" các sự kiện diễn ra ở Crimea, vì họ cho rằng đây là "kết quả của những quá trình chính trị nội bộ ở Ukraine".
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin cho biết bất kỳ chuyển động quân sự nào của Nga ở Crimea cũng nằm trong khuôn khổ các thoả thuận về căn cứ quân sự trước đó. Nga có một căn cứ hải quân lớn tại bán đảo Crimea của Ukraine và họ có quyền di chuyển quân và khí tài đến căn cứ này theo thỏa thuận giữa hai nước trước đó. Dưới thời ông Viktor Yanukovych, tổng thống vừa bị phe đối lập phế truất, Ukraine đã gia hạn hợp đồng cho Nga thuê lại căn cứ này tới năm 2042.
Trước đó, phía Nga hứa bảo vệ lợi ích của người dân Ukraine và không can thiệp quân sự vào nước này. Tổng thống Putin cũng đã lên tiếng kêu gọi nhanh chóng đưa Ukraine quay trở lại trạng thái bình thường, đồng thời cảnh báo không để bất ổn ở nước này tiếp tục leo thang.
Một báo cáo vẫn chưa được xác nhận rằng chiều 28-2, đoàn xe bọc thép di chuyển trên được cao tốc Sevastopol hướng Thủ đô Simferopol, Crimea. Một nhóm vũ trang mặc đồng phục nhưng không xác định được là của “phe nào” xuất hiện và chiếm đóng hai sân bay và chặn đường giữa Simferopol và Sevastopol. Họ không trả lời các câu hỏi phỏng vấn của báo giới và vẫn cứ thể đi tuần tra quanh sân bay. Phía Ukraine cho rằng đây là binh sĩ của Nga.
Hạm đội Biển Đen của Nga phủ nhận thông tin cho rằng các binh sĩ của hạm đội này chiếm sân bay ở Sevastopol. "Không có đơn vị nào của Hạm đội Biển Đen được điều động đến khu vực Belbek hoặc tiến hành phong tỏa nó" - Interfax dẫn thông cáo của hạm đội cho biết.
Trước sự chiếm đóng của lực lượng có vũ trang chưa xác định trên, các chuyến bay đến Crimea đã bị hoãn. Nhưng một quan chức sân bay quốc tế Simferopol, một trong hai sân bay bị chiếm đóng, lên tiếng nói rằng chỉ có một chuyến bay từ Kiev bị trì hoãn còn các chuyến khác đến và đi từ Simferopol vẫn bình thường.
Bình luận (0)