Hơn nửa ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố chỉ sẵn sàng đàm phán với Nga nhưng ở bên ngoài Belarus - quốc gia "được sử dụng làm điểm phóng tên lửa" nhằm vào Ukraine, nước này tối 27-2 đã đồng ý phương án chọn địa điểm ở vùng Gomel, gần biên giới cả Nga và Ukraine.
Trưởng đoàn đàm phán Nga, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Vladimir Medinsky, xác nhận thông tin trên và nói rằng các bên đang chốt lại địa điểm cụ thể của cuộc gặp và vấn đề hậu cần, với "an ninh cho đoàn Ukraine được bảo đảm tối đa". Điện Kremlin thông báo đoàn đàm phán của họ trước đó đã đến Belarus trong ngày 27-2 và chờ đến 15 giờ (giờ địa phương) để sẵn sàng cho cuộc đàm phán với Ukraine.
Theo đài RT của Nga lẫn các hãng truyền thông lớn, Tổng thống Ukraine đã đổi ý sau cuộc điện đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ông Volodymyr Zelensky nhờ ông Alexander Lukashenko chuyển lời để Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý lùi thời gian tổ chức cuộc đàm phán mà không cần điều kiện.
Trước đó, cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine chỉ muốn tham gia "các cuộc đàm phán thực sự" liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga, chứ không phải những cuộc đàm phán để Điện Kremlin ra tối hậu thư.
Người tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đến Romania hôm 26-2 Ảnh: REUTERS
Những diễn biến trên xuất hiện giữa lúc giao tranh diễn ra ác liệt ở Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine, sau khi binh sĩ Nga đến đây vào rạng sáng 27-2 (giờ địa phương).
Hãng tin RIA cùng ngày dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ cũng đang gây sức ép gia tăng lên các cảng chiến lược ở phía Nam của Ukraine, "phong tỏa hoàn toàn" TP Kherson và TP Berdyansk, đồng thời chiếm quyền kiểm soát TP Henichesk trên biển Azov và một căn cứ không quân gần Kherson. Giới chức Ukraine cho biết giao tranh cũng nổ ra gần Odesa, Mykolaiv và những khu vực khác.
Theo các chuyên gia quân sự, đây là một phần trong chiến lược của Nga nhằm "giáng đòn mạnh vào kinh tế Ukraine" thông qua việc cô lập quốc gia này khỏi các cảng biển. Những cuộc tấn công ở phía Nam cũng có thể giúp Moscow xây dựng một hành lang đất liền đến bán đảo Crimea.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định "tốc độ tiến công của Nga đang bị chậm lại do những khó khăn về hậu cần cũng như sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine". Trên khắp thủ đô Kiev và những thành phố khác, người dân Ukraine xung phong hỗ trợ binh sĩ bảo vệ đất nước.
Giao tranh diễn ra ngày càng căng thẳng khiến thương vong 2 phía gia tăng nhưng rất khó để xác minh số lượng. Giới lãnh đạo Ukraine ngày 26-2 khẳng định 200 dân thường nước này đã thiệt mạng nhưng các lực lượng của họ đã làm thiệt mạng hoặc bị thương khoảng 3.500 binh sĩ Nga - những con số mà một quan chức giấu tên của Mỹ thừa nhận Lầu Năm Góc có thể sẽ không bao giờ xác minh được.
Theo Văn phòng Điều phối công tác nhân đạo (OCHA) của Liên Hiệp Quốc, đến giờ, đã có ít nhất 64 dân thường thiệt mạng và hơn 368.000 người phải đến những quốc gia láng giềng xin tị nạn. Trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, lực lượng tình nguyện ở Ba Lan và các nước lân cận Ukraine nỗ lực sắp xếp chỗ ăn ở, phương tiện di chuyển... để đáp ứng nhu cầu của dòng người tị nạn đang đổ về.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26-2 dự đoán "khủng hoảng sẽ kéo dài, xung đột sẽ kéo dài... gây ra những hậu quả nghiêm trọng".
Quân nhân Ukraine kiểm tra một phương tiện bị tàn phá tại địa điểm giao tranh với quân đội Nga ở thủ đô Kiev – Ukraine hôm 26-2 Ảnh: REUTERS
Nhiều nước hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Nhiều nhà lãnh đạo ở châu Âu cuối tuần rồi cam kết tăng cường hỗ trợ Ukraine bằng những động thái cụ thể hơn, dù Mỹ và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) trước đó tuyên bố sẽ không điều bất kỳ binh sĩ nào đến quốc gia này trợ chiến.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26-2 thông báo sẽ gửi cho Ukraine thêm lượng khí tài và trang thiết bị quân sự trị giá 350 triệu USD, trong đó có tên lửa Javelins chống tăng. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố kế hoạch gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa lớp Stinger đất đối không đến Ukraine. Chính quyền Thủ tướng Scholz còn phê chuẩn kế hoạch vận chuyển 400 súng phóng lựu chống tăng đến Ukraine thông qua Hà Lan. Ngoài vũ khí, Đức còn bàn giao cho Ukraine 14 phương tiện thiết giáp và 10.000 tấn nhiên liệu.
Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố sẽ viện trợ cho các lực lượng Ukraine 2.000 súng máy và 3.800 tấn nhiên liệu, đồng thời đang xem xét những yêu cầu hỗ trợ khác từ Kiev.
Bình luận (0)