Đài RT dẫn lời ông Marchenko trong một cuộc phỏng vấn: "Cây cầu Kerch (nối bán đảo Crimea với đất liền Nga qua eo biển Kerch) hoàn toàn là mục tiêu số một của chúng tôi. Đây là con đường chính để cung cấp viện trợ. Chỉ cần phá hủy nó, họ sẽ bắt đầu hoảng sợ. Tôi tin rằng những người đã treo cờ Nga ở Simferopol sẽ nhanh chóng thay thế bằng cờ Ukraine".
Cây cầu Kerch được biết đến là cây cầu dài nhất ở châu Âu. Ngoài đe dọa phá hủy cây cầu này, ông Marchenko còn dự báo Ukraine sẽ "phản công và giành chiến thắng vào cuối mùa hè năm nay với điều kiện Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine".
Cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga qua eo biển Kerch. Ảnh: RIA Novosti
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa chống hạm, rốc-két tầm xa và súng pháo. Giám đốc bộ phận chính sách của Lầu Năm Góc tiết lộ Mỹ sẽ cung cấp tên lửa dẫn đường với tầm bắn 70 km cho Ukraine. Washington đã gửi 4 bệ phóng rốc-két đa nòng HIMARS nhưng chưa đến tay Kiev.
Hồi đầu tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Ukraine đảm bảo họ sẽ không sử dụng các hệ thống vũ khí trên để chống lại các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Mỹ từ chối công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga sau khi nó được sáp nhập vào tháng 3-2014. Vì vậy, nếu lời đe dọa của ông Marchenko thành hiện thực, Mỹ có thể sẽ không phản đối việc Ukraine phá hủy cây cầu Kerch.
Hiện tại, toàn bộ bờ biển Đen từ Kherson đến Mariupol được cho là đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga và các đồng minh vùng Donbas (thuộc miền Đông Ukraine) sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng ngày 24-2.
Hai nước đã tổ chức một số vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa đạt được thỏa thuận đình chiến.
Ngày 15-6, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Ankara đã thiết lập "đường dây nóng" quân sự để thúc đẩy các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev. Một trong những vấn đề cần giải quyết là cho phép các tàu chở đầy ngũ cốc rời khỏi cảng Odessa một cách an toàn. Hàng triệu tấn lương thực đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine.
Đài TRT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết "đường dây nóng" giữa các Bộ Quốc phòng ở Moscow và Kiev sẽ thảo luận về vấn đề trên, có vẻ giống đề xuất "hành lang ngũ cốc" được nhiều cơ quan truyền thông đưa tin hồi đầu tháng 6. Kiev đã công khai bác bỏ đề xuất đó và tiếp tục cáo buộc Moscow đặt mìn bên ngoài cảng Odessa cũng như “đánh cắp” ngũ cốc của Ukraine để bán ra nước ngoài.
Bình luận (0)