Hai cái chết đang gây chấn động Ukraine là nhà báo Oles Buzina (ngày 16-4) có quan điểm thân Nga và cựu đại biểu quốc hội Oleg Kalashnikov (ngày 15-4) thuộc Đảng Các khu vực, đồng minh của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.
Hai nạn nhân có điểm chung là nhiều lần chỉ trích chính quyền Kiev hiện nay và đều bị bắn gần nhà riêng. Vụ sát hại nhà báo và nhà văn Buzina - cựu tổng biên tập tờ Segodnya, với hơn 20 năm làm nghề - khiến nhiều người Ukraine sốc nặng.
Ông Buzina tự nhận mình vừa là người Ukraine vừa là người Nga; ủng hộ liên bang hóa Ukraine, sự độc lập của nước này và văn hóa Ukraine 2 ngôn ngữ, phát triển rộng rãi tiếng Ukraine và tiếng Nga. Tháng 3 qua, ông từ chức tổng biên tập để phản đối tình trạng kiểm duyệt ở Segodnya, khiến ông không có quyền thay đổi nhân sự và bị hạn chế các cuộc tiếp xúc.
Hiện trường vụ án mạng (ảnh trên) nhà báo Oles Buzina ở Kiev hôm 16-4 Ảnh: UNIAN-POLITIKUS
Còn cựu chính khách Kalashnikov nổi tiếng ở Ukraine vì là người tổ chức các cuộc biểu tình chống chính quyền Kiev từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014. Ông bị bắn chết khi đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc và tổ chức tuần hành ở Ukraine nhân dịp này.
Nhà phân tích chính trị người Nga Rostislav Ishenko cho rằng ông Kalashnikov bị giết vì hoạt động chính trị của mình. Ngoài ra, ông Kalashnikov còn bị liệt vào danh sách những kẻ quá khích trên website của ông Anton Gerashenko, cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine.
“Theo tôi, trong vụ án mạng này, chẳng thể có cách giải thích nào khác ngoài hoạt động chính trị của nạn nhân” - chuyên gia Ishenko khẳng định. Thêm vào đó, theo báo Vzglyad, ông Ishenko ngờ rằng cái chết của ông Kalashnikov là sự tiếp nối một loạt vụ thanh trừng các đồng minh của ông Yanukovych.
Bình luận về các vụ án mạng trên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gọi đó là tội ác chính trị và ra lệnh gấp rút điều tra, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá đó là hành động khiêu khích chống lại Ukraine mang màu sắc chính trị.
Theo trang Life News, các chuyên gia tin rằng chính quyền Kiev đang nhổ những cái gai trong mắt khi liên tục từ cuối tháng 1-2015 đến nay, đã có ít nhất 8 nhân vật chống đối Kiev thiệt mạng (tính cả 2 vụ trên), bao gồm những người thân cận với ông Yanukovych. Trong số này, 6 trường hợp có vẻ như tự tử (2 treo cổ, 1 nhảy lầu và 3 do đạn bắn).
Ví dụ, cựu nghị sĩ Mikhail Chechetov rơi từ tầng 17 xuống hôm 28-2 và cựu Thống đốc vùng Zaporizhia Alexander Peklushenko chết vì vết thương đạn bắn ngày 12-3. Theo bạn bè của họ, Chechetov và Peklushenko đều đang bị điều tra về chính trị và đó có thể là nguyên cớ khiến họ tìm đến cái chết. Ngoài ra, có thông tin vùng Zaporizhia có thể đi theo con đường ly khai như Donetsk.
Trong khi đó, theo hãng tin RIA Novosti, chính quyền Kiev cho rằng Moscow có liên quan đến những cái chết này. Ông Gerashenko quả quyết Moscow đứng sau những người chống lại chính quyền Ukraine và giờ là lúc họ loại bỏ các nhân chứng. Ông Gerashenko viết: “Tôi không loại trừ khả năng Moscow lên kế hoạch và tổ chức sát hại ông Kalashnikov và Buzina, gây bất ổn nội bộ Ukraine và kích động thái độ chống Ukraine trong xã hội Nga”.
Sáng 16-4, nhà báo Sergei Sukhobok gốc Donbass cũng bị sát hại nhưng cảnh sát Ukraine cho rằng đó là vụ án mạng thông thường. Ngoài ra, Sukhobok không phải là nhà báo đối lập.
Lính Mỹ đến Ukraine
Khoảng 300 lính dù thuộc Lữ đoàn Không vận 173 của Mỹ đã đến Ukraine để huấn luyện cho 3 tiểu đoàn thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia (NGU) nước này tại TP miền Tây Yavoriv trong vòng 6 tháng, theo tuyên bố hôm 17-4 của quân đội Mỹ. Nga lập tức chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ “có thể phá hoại nghiêm trọng tình hình ở Ukraine” cũng như cản trở nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở miền Đông nước này.
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định không có binh sĩ Nga ở miền Đông Ukraine, đồng thời tố Washington gây sức ép để một số lãnh đạo thế giới không dự cuộc diễu binh mừng 70 năm ngày chiến thắng ở Moscow. Các quan chức hàng đầu Nga cũng cáo buộc Mỹ tìm kiếm sự thống trị về chính trị và quân sự, đồng thời quy trách nhiệm cho phương Tây về những cuộc khủng hoảng quốc tế, trong đó có xung đột Ukraine. Ở chiều ngược lại, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm đến “những hành động xâm phạm chủ quyền Ukraine của Nga” trước khi quyết định có đến Moscow dự cuộc diễu binh nói trên hay không.
Phương Võ
Bình luận (0)