Cụ thể, UNICEF và Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) sẽ hợp tác để thực hiện sứ mệnh trên thay mặt Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (Cơ chế COVAX) cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Ngoài ra, UNICEF còn đóng vai trò điều phối hoạt động thu mua của 80 quốc gia có thu nhập cao hơn. Các quốc gia này đã bày tỏ ý định tham gia Cơ chế COVAX và sẽ chi trả cho vắc-xin bằng ngân sách của mình.
Là dự án do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI) và Liên minh Đổi mới chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) đứng đầu, Cơ chế COVAX đặt mục tiêu bảo đảm nguồn cung, cũng như phân phối khoảng 2 tỉ liều vắc-xin cho các nước đăng ký tham gia vào cuối năm 2021. Khoảng 172 quốc gia đã tham gia dự án này cho đến giờ.
Vắc-xin Covid-19 tiềm năng của Công ty dược phẩm sinh học Sinovac Biotech tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc 2020 ở thủ đô Bắc Kinh hôm 5-9 Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin PTI (Ấn Độ) hôm 7-9, khoảng 28 nhà sản xuất đã chia sẻ kế hoạch sản xuất vắc-xin Covid-19 hằng năm (đến năm 2023) với UNICEF. Theo một đánh giá thị trường của UNICEF, các hãng dược sẵn sàng chung tay sản xuất một số lượng vắc-xin Covid-19 "lớn chưa từng có" trong vòng 1-2 năm tới.
Cũng trong ngày 7-9, Ấn Độ đã qua mặt Brazil để trở thành nước có số ca Covid-19 cao thứ 2 thế giới (hơn 4,2 triệu ca). Quốc gia Nam Á này hiện là điểm nóng về dịch Covid-19 với số ca mắc mới trong ngày đạt mức kỷ lục là 90.802 hôm 6-9.
Bình luận (0)