Áo và Đức đã mở cửa biên giới đón nhận hàng ngàn người di cư đến từ Hungary sau khi chính phủ Budapest nới lỏng những hạn chế về đi lại đối với di dân trong khi Anh tuyên bố tiếp nhận 15.000 người tị nạn Syria, theo báo Sunday Times hôm 6-9.
Bộ Nội vụ Áo cho biết hơn 8.000 tị nạn đã đến nước này hôm 5-9 nhưng chỉ một số ít đăng ký xin tị nạn ở đây, đa số còn lại tiếp tục đến Đức bằng mọi phương tiện - xe buýt, xe lửa, thậm chí cả đi bộ.
Tại Đức, đến tối 5-9 (giờ địa phương), khoảng 6.000 người di cư đã đến TP Munich và có thêm gần 2.000 người nữa đến vào sáng sớm 6-9, theo ông Christoph Hillenbrand, người đứng đầu cơ quan hành chính vùng Thượng Bavaria. Những người mới đến này xếp hàng tại các lều đăng ký để được cấp phát lương thực và quần áo. Hầu hết ở lại Munich trong khi 800 người được đưa đến TP Dortmund và 460 người đến TP Frankfurt.
Thủ tướng Angela Merkel hôm 5-9 xác nhận ưu tiên của chính phủ Đức lúc này là xử lý cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời khẳng định cân bằng ngân sách sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn trong năm nay.
Dù vậy, phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao châu Âu ở Luxembourg vào cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố việc Đức tiếp nhận hàng ngàn người di cư đến từ Hungary sau khi trốn chạy các cuộc xung đột đẫm máu ở Syria, Iraq và Afghanistan cần được xem là hành động ngoại lệ.
Tương tự, theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức, ông Harald Neymanns, cũng tuyên bố quyết định mở cửa biên giới của Berlin cho người tị nạn Syria chỉ vì mục đích nhân đạo. Theo ông, các nước EU hiện vẫn cần phải tuân thủ Quy định Dublin, theo đó người di cư đăng ký tị nạn ở quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân đến.
Trả lời phỏng vấn báo giới truyền thông địa phương, Thủ tướng Áo Werner Faymann tuyên bố ông muốn các nhà lãnh đạo EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh về vấn đề di dân sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính hôm 14-9.
Trước đó, tại hội nghị ở Luxembourg hôm 5-9, các bộ trưởng ngoại giao EU đã không thể nhất trí về bất cứ bước đi thực tế nào để đối phó cuộc khủng hoảng hiện nay. Một trong những bất đồng lớn nhất là vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho các thành viên EU.
Trước mắt, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng châu Âu và Anh không chỉ phải tiếp nhận những người tị nạn chạy trốn sự bức hại mà còn cần tăng cường viện trợ nhân đạo, trấn áp các băng nhóm buôn người cũng như tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria để xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Như vậy, có thể thấy một trong những ưu tiên của nhà chức trách châu Âu lúc này là truy bắt khoảng 30.000 nghi phạm buôn người đã gây ra các tấn bi kịch trong suốt thời gian vừa qua. “Đó là ưu tiên hàng đầu, không chỉ đối với Europol (Tổ chức Cảnh sát châu Âu) mà cả mọi thành viên EU” - ông Robert Crepinko, Trưởng đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Europol, nhấn mạnh.
Hải quân EU hồi tháng 7 bắt đầu một sứ mệnh chống lại tội phạm buôn người ở Địa Trung Hải, khởi đầu bằng giai đoạn thu thập thông tin tình báo để chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công tàu thuyền của bọn tội phạm buôn người sau này, chủ yếu ở ngoài khơi bờ biển Libya.
Bình luận (0)