Vắc-xin do AstraZeneca phối hợp với Trường ĐH Oxford (Anh) phát triển, bắt đầu được thử nghiệm tại Nhật Bản vào mùa hè năm ngoái trên 256 tình nguyện viên. Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 12 năm ngoái đã ký hợp đồng mua 120 triệu liều của AstraZeneca, đủ để tiêm chủng cho 60 triệu người dân nước này. Vắc-xin của AstraZeneca không đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh như Pfizer và toàn bộ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng của Nhật Bản đều được sản xuất tại nước này.
Nhật Bản hiện đã bảo đảm được quyền mua ít nhất 564 triệu liều từ các hãng dược phẩm phương Tây. Đây là số lượng vắc-xin lớn nhất mà một nước châu Á có thể sở hữu, đủ tiêm chủng cho 126 triệu dân.
Cùng ngày, hãng dược phẩm Pfizer quyết định rút hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin của hãng này ở Ấn Độ để bổ sung thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý Ấn Độ. Tại Ấn Độ, Pfizer là công ty dược phẩm đầu tiên nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý tại Anh và Bahrain.
Người dân được tiêm vắc-xin của hãng AstraZeneca tại thị trấn Basingstoke, Anh hôm 4-2 Ảnh: Reuters
Trước đó, Công ty Dược phẩm Johnson & Johnson (Mỹ) hôm 4-2 nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin một liều, bước tiến mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp xem xét các dữ liệu, có thể diễn ra trong vòng ít nhất hai tuần. Công ty Johnson & Johnson hy vọng sẽ có sản phẩm để phân phối ngay sau khi được cấp phép và sẽ đạt được cam kết cung cấp 100 triệu liều vào giữa năm nay.
Vắc-xin của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều, khác với vắc-xin của hai hãng Pfizer-BioNtech và Moderna được cấp phép trước đó đòi hỏi phải tiêm hai liều. Điều này đồng nghĩa với việc vắc-xin của Johnson & Johnson dễ phân phối và dễ bảo quản hơn. Vắc-xin của Johnson & Johnson cũng bảo đảm được hiệu quả trong 2 năm ở điều kiện nhiệt độ -20 độ C và ổn định trong ít nhất 3 tháng trong hầu hết các tủ lạnh tiêu chuẩn ở nhiệt độ từ 2,2 đến 7,7 độ C.
Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của Johnson & Johnson cho thấy vắc-xin có hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa bệnh vừa hoặc nặng. Các chuyên gia, gồm bác sĩ bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci, ca ngợi đây là một công cụ quan trọng. Với điều kiện bảo quản tương đối dễ dàng và dễ sử dụng, vắc-xin của Johnson & Johnson có thể là sự hỗ trợ thiết thực nếu được cấp phép và cung cấp đủ nhanh cho đủ người.
Song song với nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 4-2 cảnh báo việc Trung Quốc không cung cấp thông tin về tính hiệu quả vắc-xin khi cho rằng điều này có thể gây ra các biến chủng mới nếu vắc-xin không hiệu quả.
Ông Macron cho rằng hiệu quả vắc-xin của các công ty Sinopharma và Sinovac (Trung Quốc) là không rõ ràng vì không có thông tin nào về quá trình thử nghiệm được chia sẻ. Theo nhà lãnh đạo Pháp, điều đó đồng nghĩa là trong trung hạn và dài hạn, gần như chắc chắn rằng nếu những vắc-xin này không hiệu quả, sẽ dẫn đến sự hình thành các biến thể mới và sẽ không cải thiện được tình hình dịch bệnh ở những quốc gia sử dụng chúng.
Bình luận của ông Macron được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi Nga và Trung Quốc công bố toàn bộ dữ liệu nếu hai nước này muốn vắc-xin của họ được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn sử dụng.
Bình luận (0)