Các hãng dược trên thế giới đang đối mặt thách thức tiếp theo trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19: Sản xuất đủ số lượng vắc-xin cần thiết để tiêm chủng cho cả thế giới.
Ông Lee Yee Sin, Giám đốc điều hành Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (NCID), hôm 26-6 nhấn mạnh với tờ The Straits Times rằng hoạt động sản xuất vắc-xin Covid-19 phải được tăng tốc trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đột biến và thay đổi đặc tính.
Dù vậy, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất vắc-xin đang đối mặt một số vấn đề, từ chủ nghĩa dân tộc vắc-xin cho đến tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu thô chủ chốt... Một số nước dựa vào luật lệ, như Mỹ với Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA), để bảo vệ nguồn cung của chính mình, khiến cho các nước gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vắc-xin hoặc nguyên liệu thô.
Ông Tarik Jasarevic, phát ngôn viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng hoạt động sản xuất vắc-xin sẽ bớt gặp khó nếu Mỹ cho phép xuất khẩu nguyên liệu thô.
Do hoạt động sản xuất vắc-xin cần đến hơn 100 thành phần và nguyên liệu, các hãng dược còn phải cạnh tranh gay gắt với nhau để xây dựng chuỗi cung ứng cần thiết để bảo đảm mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.
Trong khi đó, nỗ lực kêu gọi từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 vẫn đang trở ngại ngay cả khi một bước đi như thế cho phép nhiều cơ sở hơn trên thế giới tham gia vào hoạt động sản xuất vắc-xin.
Một cơ sở sản xuất vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại thị trấn Halle, bang Bắc Rhine-Westphalia - ĐứcẢnh: Time
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Fortune gần đây, ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer (Mỹ), nhấn mạnh đối với bất kỳ ai, "nút thắt cổ chai" tiếp theo trong sản xuất vắc-xin là nguyên liệu thô, chứ không phải là chuyện sở hữu trí tuệ.
Theo ông Bourla, nguyên liệu thô là lý do chính tại sao "chúng tôi không thể sản xuất nhiều hơn trong tháng này nhưng sẽ sản xuất nhiều hơn trong tháng sau". Không có nhiều công ty sản xuất các nguyên liệu thô để bào chế vắc-xin. Một số loại thậm chí chỉ có 2-3 nhà sản xuất trên thế giới. Ông Bourla nhấn mạnh rằng điều duy nhất cản trở Pfizer sản xuất 6 tỉ liều trong 18 tháng tới chính là không có nguyên liệu thô.
Một vấn đề khác là công nghệ. Chẳng hạn như việc mở rộng quy mô sản xuất những vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA mới (Moderna, Pfizer và đối tác BioNTech của Đức...) là không dễ, nhất là khi không có nhiều đối tác sản xuất nắm rõ công nghệ này.
Ngoài những thách thức trên, nỗ lực tiêm chủng toàn cầu còn tiếp tục đối mặt tranh cãi về vấn đề tiếp cận bình đẳng vắc-xin.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 25-6 tiếp tục phàn nàn tình trạng các nước nghèo nhất vẫn thiếu vắc-xin trầm trọng trong khi các nước giàu đang mở cửa lại xã hội và tiến hành tiêm phòng cho nhóm thanh niên không có nguy cơ cao đối với Covid-19. Ông Tedros cũng chỉ trích một số nước chưa sẵn lòng chia sẻ vắc-xin với các quốc gia thu nhập thấp dù không nêu đích danh nước nào.
Theo Reuters, COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu được WHO hậu thuẫn) đã phân phối 90 triệu liều cho 132 nước kể từ tháng 2 nhưng hiện gặp khó sau khi Ấn Độ ngưng xuất khẩu vắc-xin.
"Nếu các nước chia sẻ tức thì vắc-xin với COVAX và nếu các nhà sản xuất ưu tiên đơn hàng của COVAX, chúng tôi có thể tiêm vắc-xin cho 10% dân số mỗi nước vào tháng 9 và tỉ lệ này sẽ tăng lên 30% vào cuối năm nay" - ông Jasarevic nói với tờ The Straits Times.
Ông này nói thêm rằng việc mở rộng sản xuất vắc-xin trên thế giới sẽ giúp các quốc gia thu nhập thấp và trung bình bớt phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia và viện trợ nước ngoài.
Bình luận (0)