Trung Quốc đã cử Đặc sứ tại Mỹ Latin Ân Hằng Dân tham dự Hội nghị Thúc đẩy thương mại châu Á - Thái Bình Dương của các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Chile trong ngày 14 và 15-3.
Mở hướng đi mới
Đây là cuộc họp đầu tiên của các nước thành viên TPP kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này hồi tháng 1. Sự xuất hiện của đại diện nền kinh tế số 2 thế giới làm dấy lên khả năng Bắc Kinh chi phối cuộc họp trong bối cảnh họ đang tìm cách tận dụng sự vắng mặt của Mỹ, theo kênh CNBC. Dự kiến nội dung bàn thảo tập trung vào 3 mũi nhọn: khả năng một hiệp định TPP không Mỹ (còn gọi là “TPP - 1”), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực Tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Theo Reuters, vai trò của Trung Quốc ít nhiều gây chia rẽ trong nội bộ thành viên TPP.
Trong lúc Nhật Bản tỏ ra không sốt sắng trước ý định mời Trung Quốc thì Úc và New Zealand hy vọng vực dậy hiệp định thương mại đang đi vào ngõ cụt này bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các nước châu Á khác tham gia. Tại lần nhóm họp này, ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là một quốc gia khác ở châu Á không phải thành viên TPP được mời.
Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á (Singapore), bà Deborah Kay Elms, cho rằng Trung Quốc sẽ không thể cầm trịch các cuộc bàn thảo tại Chile. Thay vào đó, trách nhiệm chính vẫn nằm ở các thành viên hiện tại, đặc biệt là Nhật Bản, trong việc quyết định họ có muốn tiếp tục thúc đẩy TPP hay không.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 13-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh “cuộc họp tại Chile không phải là một cuộc họp TPP” và Bắc Kinh chỉ tập trung vào sự hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, không phải gia nhập TPP. Trong khi đó, Chile kỳ vọng cuộc họp sẽ mở ra những phương án tiến tới, bao gồm khả năng gầy dựng trên căn bản những thỏa thuận đã có từ trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành sắc lệnh rút khỏi TPP hôm 23-1. Ảnh: AP
Thương vụ nhạy cảm
Nhiều người chỉ trích việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng hành động này đã mở lối cho Trung Quốc định hướng thương mại Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Kể từ khi ông Trump thắng cử, Bắc Kinh đã tìm cách chiếm lĩnh vị trí “anh cả” về tự do thương mại, theo Reuters. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer ngày 13-3 xác nhận ông Trump sẽ sớm tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi trang Axios (Mỹ) cùng ngày đưa tin cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra trong ngày 6 và 7-4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida.
Kế hoạch họp thượng đỉnh Mỹ - Trung được hé lộ giữa lúc có những nỗi lo về vấn đề “xung đột lợi ích” liên quan tới quan hệ làm ăn giữa người nhà ông Trump và công ty Trung Quốc. Gần nhất là vụ Công ty Bất động sản Kushner Cos. của gia đình ông Jared Kushner, con rể ông Trump, sắp sửa nhận ít nhất 400 triệu USD từ Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc, trang Bloomberg đưa tin ngày 13-3. Với thỏa thuận trị giá 4 tỉ USD, tập đoàn bảo hiểm “đại gia” được cho là có quan hệ với chính phủ Trung Quốc nói trên sẽ đầu tư vào một tòa cao ốc 41 tầng tại Manhattan, TP New York của nhà Kushner.
Tòa cao ốc do Kushner Cos. mua với giá 1,8 tỉ USD năm 2006. Ông Jared đã nhượng lại cổ phần sở hữu tòa nhà cho người nhà trước khi trở thành cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng. Theo Bloomberg, thỏa thuận của Tập đoàn Anbang dành cho Kushner Cos. chứa đựng những điều khoản mà “một số chuyên gia bất động sản coi là ưu đãi bất thường”. Tập đoàn Trung Quốc này từng gặp trở ngại trong việc mua khách sạn ở Mỹ do những lo ngại từ chính phủ thời Tổng thống Barack Obama. Theo ông Larry Noble, Tổ chức Campaign Legal Center, điều đáng lo ngại là Anbang sẽ tìm cách cầu cạnh Kushner và tiến tới là cả ông Trump.
Trong khi đó, công ty của bà Ivanka Trump - ái nữ của ông Trump, đồng thời là vợ của Jared Kushner - vừa được tiết lộ đã nhập hơn 53,5 tấn hàng sản xuất tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 8-11-2016 đến 26-2-2017, bất chấp chuyện ông Trump luôn cổ vũ “mua hàng Mỹ và thuê công nhân Mỹ”.
Bình luận (0)