Hồi tháng 12-2012, Bình Nhưỡng phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 vào quỹ đạo nhưng sau đó không truyền được tín hiệu nào về mặt đất. Lần này, có vẻ vệ tinh Kwangmyongsong-4 cũng gặp vấn đề tương tự.
Một quan chức Mỹ cùng hai nguồn tin giấu tên lưu ý với Reuters rằng họ ít quan tâm đến chức năng của vệ tinh nhưng chú ý đến công nghệ tên lửa đẩy do Triều Tiên sử dụng để phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Điều này chứng minh Bình Nhưỡng có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO), bộ phận nghiên cứu của Quốc hội, nhấn mạnh lo ngại về các cuộc tấn công tên lửa từ phía Triều Tiên trong một báo cáo công bố hôm 17-2.
“Các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất (GMD) của Mỹ cho đến nay chưa đủ để chứng minh được năng lực phòng thủ tác chiến hiệu quả,... mà chỉ chống lại một số lượng nhỏ mối đe dọa của các hệ thống tên lửa đạn đạo đơn giản” – GAO viết trong báo cáo.
Vào cuối năm 2017, Lầu Năm Góc đề ra mục tiêu trang bị 44 hệ thống GMD cho quân đội để tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa từ bên ngoài.
Hôm 18-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký lệnh trừng phạt mở rộng đối với Triều Tiên do vụ thử vệ tinh ngày 7-2. Dự luật trừng phạt trước đó nhanh chóng được Quốc hội thông qua.
Ngoài việc cắt đứt nguồn vốn cần thiết để Triều Tiên phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ và tên lửa tầm xa, Mỹ còn cho phép hỗ trợ các chương trình nhân đạo và phát sóng radio vào Triều Tiên trị giá 50 triệu USD.
Trung Quốc cho biết lệnh trừng phạt mới của chính quyền Tổng thống Obama có thể làm tê liệt nền kinh tế của Triều Tiên.
Bình luận (0)