Ít ai ngờ rằng nằm sâu bên trong một ngọn núi trên quần đảo Svalbard, giữa Na Uy và Bắc Cực, lại tồn tại một hầm chứa hạt giống bí mật được kỳ vọng có thể cứu nhân loại khỏi một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Vì sự sống còn của nhân loại
Hầm chứa hạt giống toàn cầu Svalbard (SGSV), còn được gọi là “hầm hạt giống tận thế”, do chính phủ Na Uy quản lý. Đây là nơi lưu giữ hạt giống của hầu hết các loại cây trồng trên thế giới. Ra đời năm 2008, SGSV là phương án dự phòng trong trường hợp một thảm họa nào đó phá hủy toàn bộ cây trồng trên trái đất. Chức năng của hầm hạt giống như két sắt tại ngân hàng, nghĩa là không ai có thể mở hoặc lấy đi các hạt giống để bên trong, trừ tổ chức đã gửi chúng.
Điều đáng nói là lần mở cửa đầu tiên của SGSV lại xuất phát từ nguyên nhân chiến tranh - một thảm họa nhân tạo thuộc loại dễ ngăn chặn nhất. Cuộc chiến đẫm máu ở Syria buộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu nông nghiệp ở các vùng khô hạn (ICARDA) đưa 80% số hạt giống tại ngân hàng gien ở TP Aleppo đến lưu trữ tại SGSV từ năm 2012.
Là một trong những ngân hàng gien quan trọng nhất thế giới, ICARDA chứa hơn 135.000 loại hạt giống lúa mì, lúa mạch, đậu… Chứng kiến cuộc xung đột Syria không có dấu hiệu thuyên giảm, vào đầu tháng 10 vừa qua, ICARDA yêu cầu SGSV mở cửa để mang số hạt giống mình gửi đi gieo trồng tại những cơ sở mới ở Lebanon và Morocco, cho phép các nhà khoa học nối lại công việc nghiên cứu quan trọng được tiến hành trong nhiều thập kỷ qua.
Nhân dịp SGSV lần đầu mở cửa, khu vực bí ẩn này đã được đài CNN hé lộ. Bề ngoài căn hầm trông không khác gì sào huyệt của nhân vật phản diện trong phim của điệp viên 007 nhưng bên trong lại lưu giữ bộ sưu tập hạt giống lớn nhất thế giới. Khu vực này được lựa chọn vì nó ổn định về mặt địa chất và dù hẻo lánh nhưng vẫn dễ dàng tiếp cận bằng đường hàng không. “Hầm ngầm được xây dựng vì sự sống còn của nhân loại” - ông Michael Koch, thuộc Tổ chức Crop Trust, nói với đài CNN.
“Tủ lạnh” thiên nhiên
Trong khung cảnh u ám của mùa thu Bắc Cực, cánh cổng ra vào hầm ngầm giống như viên ngọc quý nhô ra khỏi băng tuyết. Ở cuối đường hầm là một cánh cửa kim loại lớn dẫn đến nơi cứu rỗi nhân loại trong một “thế giới hậu tận thế”. Càng vào sâu bên trong, nhiệt độ càng xuống thấp. Lớp băng vĩnh cửu biến căn hầm thành một tủ lạnh tự nhiên. Ngay cả khi không có điện, nhiệt độ trong hầm vẫn ổn định ở mức âm 8 độ C, đủ để duy trì chất lượng hạt giống trong nhiều thập kỷ.
Các hạt giống được đóng gói cẩn thận trong túi nhôm dày 3 lớp rồi cho vào thùng khóa kín trước khi vận chuyển từ khắp thế giới đến SGSV. Cơ sở này hiện chứa ít nhất 837.931 mẫu hạt giống (ước tính tổng cộng khoảng 556 triệu hạt). Chúng được chứa bên trong 2.291 thùng làm từ nhựa màu xám hoặc đen và xếp chồng lên nhau. Số thùng này được gắn nhãn và đánh số thứ tự để xác định nơi chúng được gửi đến.
Tuy nhiên, một số thùng đến từ Triều Tiên là ngoại lệ bởi chúng được dán nhãn màu nổi bật. Các nhà khoa học tin rằng tác động của biến đổi khí hậu khiến những hạt giống nói trên sớm muộn gì cũng được đưa ra sử dụng để bảo đảm nguồn cung lương thực cho thế giới.
Kim tự tháp cất trữ ngũ cốc?
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Ben Carson vừa gây tranh cãi khi cho rằng kim tự tháp ở Ai Cập được xây dựng để cất trữ ngũ cốc. Điều này trái với những kiến thức được biết đến lâu nay là công trình này được xây lên để làm lăng mộ cho các pharaon. Vậy suy nghĩ của ông Carson xuất phát từ đâu? Theo Kinh thánh Cựu Ước, một nhân vật tên Joseph sau khi bị bán qua Ai Cập làm nô lệ đã giúp người dân nước này sống sót trong nạn đói kéo dài 7 năm bằng cách cất trữ ngũ cốc. Mãi đến thời Trung cổ, kim tự tháp mới được nhắc đến như là nơi cất trữ ngũ cốc trong câu chuyện này.
Ông John Darnell, giáo sư nghiên cứu về Ai Cập tại Trường ĐH Yale (Mỹ), cho biết: “Bên trong Vương cung thánh đường St. Mark ở TP Venice - Ý vẫn còn những mô tả cho thấy 3 kim tự tháp lớn ở TP Giza là kho chứa ngũ cốc trong câu chuyện của Joseph”. Tuy nhiên, cũng theo ông Darnell, giả thuyết trên không còn được ưa chuộng từ thời kỳ Phục hưng khi kim tự tháp được nghiên cứu chi tiết hơn. Một số chuyên gia cũng cho rằng một công trình quy mô và tốn kém như kim tự tháp không thể được xây lên chỉ để dự trữ ngũ cốc.
Bình luận (0)