Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 3-12 cho biết nước này tung ra loại tiền ảo - gọi là "petro" - trong nỗ lực vực dậy kinh tế và đối phó các biện pháp trừng phạt của Mỹ, dù không cung cấp nhiều chi tiết về bước đi này.
Ý tưởng bị nghi ngờ
Theo ông Maduro, tiền ảo "petro" ra đời với sự hậu thuẫn của nguồn dự trữ dầu khí, vàng và kim cương. Công cụ này sẽ giúp Venezuela "thúc đẩy các vấn đề về chủ quyền tiền tệ, thực hiện giao dịch tài chính và chống lại phong tỏa tài chính".
Các thủ lĩnh đối lập đã chỉ trích thông báo trên vì cho rằng sử dụng tiền ảo cần có sự phê chuẩn của quốc hội. Ngoài ra, một số người nghi ngờ khả năng hiện thực hóa "petro" giữa lúc kinh tế Venezuela đang khủng hoảng.
Dù vậy, theo Reuters, động thái mới nhất của ông Maduro đã nêu bật việc biện pháp trừng phạt của Mỹ đang cản trở Venezuela chuyển tiền thông qua các ngân hàng quốc tế. Chính phủ Mỹ đang trừng phạt một số quan chức Venezuela và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), khiến kinh tế đất nước thêm khó khăn giữa lúc nợ nần chồng chất và giá dầu lao dốc.
Riêng giá trị đồng nội tệ Bolivar của Venezuela đang rơi tự do, làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của Caracas. Nếu "petro" được sử dụng, nhà lãnh đạo Venezuela có thể tìm cách thanh toán cho các chủ nợ bằng loại tiền ảo này. Dù vậy, hiện chưa rõ giá trị, cách hoạt động và thời điểm chính thức ra mắt của "petro".
Tổng thống Nicolas Maduro (trái) cùng hai ông Nelson Martinez (giữa) và Eulogio del Pino tại một sự kiện ở Caracas hồi đầu năm nay Ảnh: REUTERS
Ngoài sáng kiến tiền ảo, chiến dịch chống tham nhũng trong ngành công nghiệp dầu khí được xem là một nỗ lực khác nhằm đưa kinh tế vượt khó. Chính phủ Venezuela cho rằng cần loại bỏ tham nhũng trong lòng PDVSA để tập đoàn này hoạt động hiệu quả hơn và mang lại nhiều doanh thu hơn cho chính phủ.
Tổng thống Maduro nhấn mạnh việc tăng sản lượng khai thác là ưu tiên hàng đầu sau khi bổ nhiệm tướng Manuel Quevedo làm Bộ trưởng Dầu mỏ kiêm Chủ tịch PDVSA hôm 26-11. Con số này hiện ở mức 1,9 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 2,4 triệu thùng/ngày cách đây một năm.
Hôm 30-11, nhà chức trách Venezuela đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Eulogio del Pino và cựu Chủ tịch PDVSA Nelson Martinez, bị cáo buộc biển thủ công quỹ và rửa tiền. Hai người này, cùng với 15 nhà quản lý và quan chức PDVSA khác, sa lưới pháp luật chỉ 4 ngày sau khi bị ông Maduro cách chức trong một cuộc cải tổ nội các. Tính đến nay, đã có tổng cộng 65 người bị bắt vì dính líu đến tình trạng tham nhũng trong ngành công nghiệp dầu mỏ.
Động cơ chính trị?
Dù hai ông Pino và Martinez là những quan chức cao cấp nhất bị bắt cho đến nay nhưng theo Bloomberg, mục tiêu lớn hơn của Tổng thống Maduro chính là ông Rafael Ramirez, cựu chủ tịch PDVSA giai đoạn 2004-2014 và hiện là đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc.
Một số thông tin chưa được kiểm chứng nói ông Ramirez - được xem là một đối thủ tiềm tàng của ông Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới - đã bị cách chức và triệu hồi về nước. Bất đồng giữa 2 nhân vật này leo thang trong những tuần gần đây, nhất là sau khi ông Ramirez lên mạng viết bài chỉ trích sự sụt giảm sản lượng khai thác của PDVSA và cách quản lý kinh tế của ông Maduro.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi phe đối lập gọi chiến dịch chống tham nhũng nói trên là tranh giành quyền lực trong nội bộ chính quyền ông Maduro, đồng thời chỉ ra rằng ngành công nghiệp dầu mỏ lâu nay vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của đảng cầm quyền. Một số chuyên gia cũng cho rằng cuộc điều tra tham nhũng tại PDVSA còn mang động cơ chính trị.
"Chính phủ đang tìm cách chứng tỏ họ chống tham nhũng và nỗ lực tăng sản lượng dầu khai thác. Tuy nhiên, đây cũng là chiến dịch thanh trừng để ông Maduro củng cố quyền lực và loại bỏ những người có thể đe dọa quyền lực của ông" - ông Claudio Rodríguez, nhà phân tích của trang Caracas Chronicles, đánh giá.
Một số nguồn tin nói với Reuters rằng việc bổ nhiệm một người không có kinh nghiệm về dầu mỏ (tướng Quevedo) lên làm lãnh đạo ngành công nghiệp này có thể phản tác dụng về lâu dài khi khiến thêm nhiều người tài chạy khỏi PDSVA, từ đó ảnh hướng xấu đến hoạt động của tập đoàn. Chưa hết, theo tờ Financial Times, các liên doanh dầu khí với nước ngoài có thể gặp khó khăn giữa lúc khủng hoảng kinh tế chưa có lối thoát và sức ép ngày càng tăng của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Bình luận (0)