Theo Tổng thống Nicolas Maduro, mức lương tối thiểu hằng tháng sẽ được nâng lên 40.000 bolivar (khoảng 60 USD theo tỉ giá chính thức hoặc 12 USD trên thị trường chợ đen). Đây là lần tăng thứ 5 trong vòng 1 năm qua.
Ông Maduro cho rằng biện pháp này sẽ có lợi cho người lao động, lực lượng vũ trang và những người đã nghỉ hưu, cụ thể là bảo vệ việc làm và tăng thêm thu nhập.
“Để khởi đầu năm mới, tôi quyết định tăng lương tối thiểu và lương hưu. Trong giai đoạn xảy ra chiến tranh kinh tế và các vụ tấn công của mafia…, chúng ta phải bảo vệ việc làm và thu nhập của người lao động” – nhà lãnh đạo Venezuela phát biểu trong chương trình truyền hình và phát thanh hằng tuần.
Tỉ lệ lạm phát của Venezuela – cao nhất thế giới – đã làm suy yếu giá trị của đồng bolivar. Nước này cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu sụt giảm, trong khi xuất khẩu dầu đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Không những vậy, người dân Venezuela còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thực phẩm, thuốc men và hàng hóa cơ bản nghiêm trọng.
Các nhà phê bình lên án quyết định tăng lương của Tổng thống Maduro. Họ nói việc liên tục tăng lương cho thấy thất bại trong các chính sách của ông và không theo kịp với thực tế giá cả hàng hóa leo thang.
Trong khi đó, các hiệp hội doanh nghiệp chính ở Venezuela lo ngại việc tăng lương có thể dẫn đến hàng loạt người lao động bị sa thải và buộc các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.
Lạm phát của Venezuela đạt 181% trong năm 2015, theo số liệu chính thức. Các đối thủ của Tổng thống Maduro khẳng định con số này còn cao hơn. Không có số liệu chính thức về lạm phát trong năm 2016 nhưng hầu hết các nhà kinh tế nhận định lạm phát ít nhất là tăng gấp đôi so với năm trước, đồng thời được dự báo tồi tệ hơn nhiều vào năm 2017.
Phe đối lập Venezuela tiết lộ lạm phát năm 2016 cán mức hơn 500%, trong khi tăng trưởng kinh tế giảm 12%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở Venezuela sẽ lên tới 1.600% trong năm nay.
Bình luận (0)