Vụ tấn công không chỉ gây thiệt hại đáng kể cho nhà máy xử lý dầu lớn nhất thế giới tại Abqaiq mà còn làm dấy lên nhận định hệ thống phòng không Ả Rập Saudi có nhiều thiếu sót và được bố trí không phù hợp.
Ông Gary Grappo, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhận định rằng giới lãnh đạo Ả Rập Saudi sẽ phải đau đầu trong việc giải thích lý do một quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng nhiều thứ 3 thế giới lại không thể bảo vệ cơ sở dầu quan trọng nhất của mình khỏi một vụ tấn công như thế.
Theo thống kê, Riyadh đã chi 67,6 tỉ USD cho vũ khí trong năm 2018, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc.
Ả Rập Saudi trưng mảnh vỡ của các tên lửa bị tố sử dụng trong vụ tấn công. Ảnh: Reuters
Mục tiêu như "cây Giáng Sinh"
Loại máy bay không người lái và tên lửa hành trình bay thấp bị tố sử dụng trong vụ tấn công là thách thức mà nhiều nước chưa chuẩn bị ứng phó.
Riêng với Ả Rập Saudi, các hệ thống phòng không trang bị công nghệ cao của vương quốc này được thiết kế để ứng phó với các mối đe dọa hoàn toàn khác.
Theo ông Dave DesRoches, nhà phân tích tại Trường ĐH Quốc phòng Mỹ, chúng chủ yếu được sử dụng để đối phó mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm cao. Chưa hết, các hệ thống phòng không ở Abqaiq được thiết kế để ngăn chặn một vụ tấn công của máy bay có người lái.
Cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi về vụ tấn công hôm 18-9. Ảnh: Reuters
Một vấn đề khác là các nhà máy dầu khổng lồ đang là mục tiêu có thể bị tấn công dễ dàng. Ông Michael Rubin, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng các cơ sở dầu khổng lồ của Ả Rập Saudi rực sáng không khác gì một cây Giáng sinh tại sa mạc vào ban đêm.
Điều này có nghĩa đối phương chỉ cần loại máy bay không người lái công nghệ không quá cao là đủ để tấn công chúng.
Hệ thống phòng không "có vấn đề"
Ả Rập Saudi khoe đang sở hữu một kho thiết bị phòng không tinh vi và đắt đỏ, như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot chế tạo tại Mỹ, súng phòng không Skyguard (Đức) và hệ thống tên lửa đất đối không Shahine (Pháp). Riyadh cũng sớm bổ sung hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Dù vậy, chuyên gia Jack Watling tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hoàng gia Anh nhận định Patriot không phải là loại tên lửa phù hợp, một phần vì nó hiếm khi đánh trúng mục tiêu.
Vấn đề khác là tên lửa Patriot được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao, không phải loại tên lửa hành trình và máy bay không người lái được sử dụng trong vụ tấn công.
Hình ảnh chụp từ trên không cho thấy có 3 khẩu đội Skyguard và một số khẩu đội tên lửa Shahine được triển khai quanh cơ sở dầu Abqaiq. Dù vậy, ông Walting cho rằng những hệ thống này không phù hợp để đối phó tên lửa hành trình và không có bằng chứng cho thấy người Ả Rập Saudi được huấn luyện để sử dụng chúng.
Khói bốc lên theo sau một vụ hỏa hoạn tại cơ sở dầu Abqaiq sau vụ tấn công hôm 14-9. Ảnh: CNBC
Một nỗi lo khác là nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu ở Ả Rập Saudi được giao cho Bộ Nội vụ, không phải quân đội. Theo một số chuyên gia, các vũ khí Riyadh mua của Washington chủ yếu được chuyển đến quân đội trong khi Bộ Nội vụ không được trang bị tương xứng để thực hiện nhiệm vụ này.
Vì thế, cú sốc từ vụ tấn công nhiều khả năng sẽ thúc đẩy Ả Rập Saudi tập trung tìm kiếm hệ thống phòng thủ mới để chống lại mối đe dọa từ máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Bình luận (0)