Tới nay, duy chỉ một cường quốc không lên tiếng chỉ trích Ả Rập Saudi. Đó là Nga. Tổng thống Vladimir Putin tỏ ra thận trọng: "Đầu tiên chúng ta cần chờ kết quả điều tra. Làm sao Nga có thể phá hỏng quan hệ với Ả Rập Saudi trong khi chúng ta không biết điều gì thực sự đã xảy ra?".
Giữa tuần này, Tổng chưởng lý Ả Rập Saudi Shaikh Suood bin Abdullah Al Mo'jab thừa nhận vụ sát hại ông Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng một nhiệm vụ thuyết phục ông Khashoggi từ TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ quay về Ả Rập Saudi, với sự tham gia của 15 người đến từ Riyadh, không thể được tiến hành mà thiếu sự đồng ý của Thái tử Mohammed bin Salman.
Dù vậy, Điện Kremlin vẫn khẳng định: "Thông báo chính thức của Riyadh là các thành viên hoàng gia không liên quan đến vụ án mạng. Chúng tôi tin vào thông báo này".
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (trái), Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin xem trận khai mạc World Cup 2018 giữa Nga và Ả Rập Saudi hồi tháng 6 qua. Ảnh: AP
Theo đài CNN, đằng sau thái độ này của Nga là mối lợi ích lớn về thương mại. Tuy là đối thủ truyền thống nhưng hai cường quốc năng lượng đang cải thiện quan hệ chính trị và kinh tế. Đầu tuần này, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi kẻ chủ mưu ra mặt thì Nga thông báo Ả Rập Saudi đầu tư 5 tỉ USD vào một dự án khí thiên nhiên của Nga ở Bắc Cực.
Thật ra, không phải chỉ có Nga mà ngay cả Mỹ cũng lấn cấn vì lợi ích. Tuy lên án vụ giết hại ông Khashoggi song Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thắn trên Fox Business: "Họ đã đặt đơn hàng lớn nhất lịch sử nước Mỹ để mua 110 tỉ USD vũ khí. Tương đương với 500.000 việc làm cho người Mỹ đấy. Giờ người ta muốn chúng ta kết thúc đơn hàng này. Như vậy chẳng phải là làm hại kinh tế Mỹ sao? (...) Họ sẽ nói Mỹ không bán tên lửa nữa, chúng ta đi mua của Trung Quốc hay Nga vậy".
Nội bộ Nhà Trắng tin rằng Nga vẫn khó lòng thế chân phương Tây để trở thành đồng minh chủ chốt của Ả Rập Saudi nhưng nước này hoàn toàn có thể giành được phần lớn hơn từ chiếc bánh đó. Bằng chứng là trong khi nhiều nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu thế giới hủy tham dự hội nghị Sáng kiến đầu tư Tương lai Saudi trong tuần này (hay còn gọi là "Davos ở sa mạc"), Nga đã cử đến đây một phái đoàn hùng hậu.
Bình luận (0)