Người phụ nữ họ Lâm, tay dắt cô con gái đi ngang nơi bé Duyệt Duyệt gặp nạn (TP Phật Sơn, Quảng Đông - Trung Quốc), nhớ lại: “Tôi muốn đỡ cô bé dậy nhưng thấy nhiều máu quá nên tôi sợ. Con gái tôi sợ đến độ khóc thét lên, do đó chúng tôi đi thật nhanh. Giờ đây, tôi rất hối hận, đau đớn và cảm thấy tội lỗi. Nếu lúc đó có ai giúp cháu bé, tôi cũng sẽ giúp”.
Bà Lâm chỉ là một trong số gần 20 người đã lướt qua Duyệt Duyệt và mặc kệ bé chống chọi với tử thần. Hầu hết bọn họ đều phủ nhận việc nhìn thấy bé, đồng thời khẳng định không hề biết có tai nạn.
Mẹ bé Duyệt Duyệt khóc thảm thiết trước tai nạn bất ngờ xảy đến với Duyệt Duyệt. (Ảnh: BARCROFT MEDI)
Đã vậy, nhiều người còn gièm pha bà Trần Hiền Muội, người phụ nữ nhặt rác tốt bụng đã cứu Duyệt Duyệt, sau khi có nhiều tổ chức, cá nhân muốn tặng tiền cho bà. Bà Trần nói: “Tôi không làm việc đó vì tiền. Con tôi bảo tôi đừng nhận vì không muốn nghe những lời nói ra nói vào”.
Trước sự đeo bám quá sát của các phóng viên, cộng thêm lời bàn tán khiếm nhã của một số người xung quanh khiến bà Trần quyết định tắt điện thoại, lặng lẽ về quê với chồng ở Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông. Trước khi về, bà cùng gia đình đã theo số tiền thưởng của người hảo tâm cho cha mẹ Duyệt Duyệt để cứu chữa cho bé.
Theo Viện trưởng Viện Triết học và Văn hóa thuộc Học viện Khoa học Xã hội (Quảng Châu) Tăng Đức Hùng, hai tài xế cán phải bé Duyệt Duyệt đã vi phạm pháp luật, trong khi đó những người đi đường đáng bị lên án vì đạo đức kém, thậm chí họ có thể bị phạt vì vi phạm nhân quyền.
Cha mẹ bé Duyệt Duyệt cúi rạp trước người phụ nữ cứu con gái (Ảnh: XINHUA)
Sau tai nạn xảy ra với bé Duyệt Duyệt, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã kêu gọi người dân đề xuất những giải pháp bảo vệ các công dân làm việc tốt, giúp đỡ người gặp nạn trên mạng xã hội Weibo.
Thông báo hôm 18-10 viết: “Xin mọi người đừng mãi thờ ơ mà hãy chung tay cùng chúng tôi đưa ra những quy định cổ xúy tinh thần thương người như thể thương thân. Chính quyền tỉnh Quảng Đông sẽ tổ chức một cuộc bàn thảo trước thực trạng vô cảm hiện nay".
Chuyên gia tâm lý Hồ Thẩm Tri rất mực vui mừng trước quyết định này của các nhà chức trách. Trả lời Nam Phương Nhật Báo (Quảng Đông), ông Hồ khẳng định pháp luật sẽ trở nên tốt đẹp hơn một khi nó hạn chế được những thiệt thòi mà những người làm việc tốt phải gánh chịu.
Thế nhưng, động thái tích cực của chính quyền tỉnh lại vấp phải sự phản đối của một số người vốn đã bị ăn sâu bởi tâm lý “người ngoài cuộc” trong xã hội Trung Quốc.
Cha bé Duyệt Duyệt cho biết gia đình nhận được rất nhiều tiền do mọi người gửi đến
(Ảnh: CHINA NEWS)
Làm thế nào để bảo vệ người làm việc tốt trở thành vấn đề nghiêm túc suốt 10 năm qua ở Trung Quốc. Vào năm 2001, 32 quan chức đã đề xuất sửa đổi luật hình sự trong đó có những điều liên quan đến “tội làm ngơ trước người gặp hoạn nạn hoặc sắp chết”.
Nhân dân Nhật báo dẫn vụ việc ông Bành Vu ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, vào năm 2007 cũng từng xôn xao dư luận. Ông đã giúp đưa một phụ nữ 65 tuổi đến bệnh viện, sau đó bị tòa án tuyên phạt chịu một phần chi phí y tế do người phụ nữ này tố ông đánh bà ta.
Luật sư Chu Vĩnh Bình, một trong những luật sư có tiếng ở tỉnh Quảng Đông, cho biết: “Nếu chúng ta có luật định ràng buộc về đạo đức trong trường hợp như của bé Duyệt Duyệt, có thể đã không có hiện tượng lãnh đạm trong đại bộ phận người dân như hiện nay”.
Nhiều khả năng Duyệt Duyệt rơi vào trạng thái thực vật
Nhiều khả năng Duyệt Duyệt bị chết não (Ảnh: CORBIS)
Theo bác sĩ Tô Lũy, Giám đốc khoa điều trị chuyên sâu ở Bệnh viện Quân y Quảng Châu, các kiểm tra cho thấy Duyệt Duyệt bị một số vùng thương tổn nặng ở thân não và vỏ não.
Do đó, nhiều khả năng Duyệt Duyệt rơi vào trạng thái thực vật, mặc dù tim bé đập khá đều, tay chân đều có cảm giác. Hiện tại các bác sĩ vẫn chưa kết luận bé bị chết não. |
Bình luận (0)