Con đường đi bộ Promenade des Anglais dọc bờ biển TP Nice - Pháp ngày 15-7 vắng lặng lạ thường khi người dân địa phương và du khách còn chưa hết bàng hoàng vì vụ tấn công đẫm máu bằng xe tải xảy ra đêm hôm trước.
Thi thể nằm khắp nơi
Tất cả quán nước và cửa hàng tiện lợi đều đóng cửa trong lúc người dân vẫn chưa dám rời khỏi nhà. Trên nhiều góc phố, chỉ còn các đám đông du khách ngồi chờ bắt xe đến sân bay để trở về quê nhà sau một đêm ác mộng. Một trong số đó có cô Julie Holland, du khách người Mỹ, đang đi nghỉ cùng 2 con gái. Cô kể mình đang ăn tối với con thì chiếc xe tải điên cuồng đâm vào đám đông ngay sau khi kết thúc màn bắn pháo hoa mừng ngày Quốc khánh tại bãi biển. “Chúng tôi nghe thấy tiếng gào thét và nhiều người bắt đầu chạy vào nhà hàng. Chúng tôi bèn chạy ra sau bếp để ẩn náu cho đến khi hết tiếng súng... Khi được cảnh sát đưa về khách sạn lúc 3 giờ (ngày 15-7, giờ địa phương), chúng tôi thấy thi thể khắp nơi” - cô Holland kể với tờ The Guardian.
Vụ tấn công nói trên khiến ít nhất 84 người thiệt mạng (trong đó có nhiều trẻ em) và 52 người đang nguy kịch. Con số này có thể còn nhiều hơn nếu tên tài xế không bị cảnh sát bắn chết sau một trận đấu súng, chấm dứt hành trình địa ngục dài 2 km trên con đường đi bộ lúc gần nửa đêm 14-7. Các nhân chứng cho biết chiếc xe tải chạy với tốc độ cao và ngoằn ngoèo để đụng nhiều người hơn. Nhiều nhân chứng kể với trang Independent rằng nhiều cha mẹ phải ném con cái qua hàng rào để tránh chiếc xe “điên”. Một số nguồn tin cho biết trên xe còn có lựu đạn và thuốc nổ.
Truyền thông Pháp sau đó đưa tin kẻ lái chiếc xe tải là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, một người Pháp gốc Tunisia, 31 tuổi. Giấy tờ tùy thân của y được tìm thấy bên trong chiếc xe. Theo tờ Nice Matin, tên này là tài xế giao hàng. Cảnh sát đã lục soát ngôi nhà và thẩm vấn một số người thân của hắn sáng 15-7. Theo nguồn tin từ cảnh sát, tên này không có trong danh sách theo dõi của các cơ quan tình báo Pháp nhưng liên quan đến một số hành vi phạm tội tại địa phương, như trộm cắp và bạo lực.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết nhà chức trách sẽ tìm hiểu xem liệu y có đồng phạm hay không. Ngoài ra, động cơ vụ tấn công vẫn là dấu hỏi trong lúc chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, tờ The Wall Street Journal nhận định vụ tấn công dường như mang dấu ấn của những vụ khủng bố gần đây do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra hoặc lấy cảm hứng từ IS: một người hoặc một nhóm người tấn công vào mục tiêu mềm, không được bảo vệ. Sau vụ tấn công, trên mạng xã hội đang lan truyền một số tấm áp phích ăn mừng được cho là của IS, trong đó có 1 tấm dọa Berlin là mục tiêu tiếp theo của bọn chúng.
Paris không lùi bước
Chính phủ Pháp thông báo quốc tang 3 ngày, từ 16-7. Song song đó, Tổng thống Francois Hollande cũng bày tỏ quyết tâm chống khủng bố đến cùng khi quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng, tăng cường các biện pháp an ninh trong nước cũng như siết chặt biên giới. Các nhà lãnh đạo khắp thế giới đồng loạt gửi lời chia buồn đến nước Pháp, lên án vụ tấn công, cam kết sẵn sàng hỗ trợ Paris đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý.
Lao xe vào đám đông ở TP Nice là vụ tấn công lớn thứ 3 ở Pháp trong 18 tháng qua - sau vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris tháng 11-2015 và xả súng tại văn phòng tạp chí Charlie Hebdo vào tháng 1 cùng năm. Ba vụ lớn này cộng với 4 vụ tấn công nhỏ hơn trong giai đoạn nói trên khiến ít nhất 240 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương ở Pháp. Tờ The Guardian nhận định việc nước Pháp liên tục bị tấn công khiến nhiệm kỳ tổng thống không mấy suôn sẻ của ông Hollande rơi vào khủng hoảng. Chính sách an ninh cũng như năng lực lãnh đạo của ông Hollande giờ đây đối mặt không ít hoài nghi. Sau thời gian quốc tang sẽ là những cuộc tranh luận căng thẳng về cách thức ngăn chặn khủng bố tái diễn bởi an ninh là mối bận tâm hàng đầu của cử tri trước thềm cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào năm tới.
Ông Hollande nhiều khả năng vào cuối năm nay mới công bố quyết định ra tái tranh cử. Tuy nhiên, vụ tấn công ở Nice có thể càng kéo giảm uy tín đang ở mức thấp kỷ lục của ông. Ngoài an ninh, trở ngại đối với ông Hollande còn là nền kinh tế u ám và tỉ lệ thất nghiệp gần 10%. Gần đây, nhà lãnh đạo này càng đau đầu vì nhiều tuần đình công và biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động mà ông cho là sẽ giảm bớt tình trạng thất nghiệp.
Hiểm họa “công nghệ thấp”
Vụ tấn công ở TP Nice phần nào cho thấy những hạn chế của nỗ lực chống khủng bố toàn cầu hiện nay. Trong cuộc chiến chống IS, chính phủ Mỹ đã tiến hành hàng ngàn cuộc không kích, nghe lén cuộc gọi, ngăn chặn chuyển tiền phi pháp, thực hiện nhiều vụ bắt bớ… nhưng vẫn không ngăn được những kẻ tuyên thệ trung thành hoặc ủng hộ tổ chức này ra tay ở châu Âu và Mỹ, cướp đi hàng trăm sinh mạng.
Lợi dụng bất ổn tại Syria, Iraq và Libya, IS lên kế hoạch tấn công và tuyển mộ người ra tay, chủ yếu nhằm vào những nơi tập trung nhiều người như sân bay, lễ hội, hòa nhạc hoặc hộp đêm. Trong một số trường hợp, kẻ tấn công không có liên hệ gì với nhóm tạo cảm hứng cho chúng, gây ra thách thức không nhỏ cho lực lượng thực thi pháp luật và tình báo.
Theo giới chuyên gia, những phương thức từng được Mỹ và các nước khác sử dụng để đối phó các kế hoạch tấn công quy mô lớn của al-Qaeda hơn 10 năm trước lại tỏ ra kém hiệu quả khi chống IS và những phần tử cực đoan ngày nay. Mối lo ngại này được chứng thực qua lời kêu gọi tấn công của phát ngôn viên IS Abu Mohammed al-Adnani vào năm 2014: “Nếu không biết nổ bom hay bắn súng, hãy hẹn gặp riêng một người Pháp hoặc người Mỹ, đập đầu hắn bằng đá, đâm hắn bằng dao, lao xe qua người, ném hắn xuống vách đá, bóp cổ hoặc tiêm thuốc độc hắn”.
Tại phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hôm 14-7, ông Nick Rasmussen, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ, cảnh báo mối nguy hiểm từ các cuộc tấn công khủng bố “công nghệ thấp”.
Ông William McCants, chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), cũng nhấn mạnh đến yếu tố đơn giản và dễ dàng của vụ khủng bố ở Nice: Những gì kẻ tấn công cần là bằng lái xe, thế là đủ. Ngay từ năm 2010, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cảnh báo phương thức lao xe này “hấp dẫn” những kẻ tấn công bởi chúng chẳng cần đến vũ khí, thuốc nổ hay kinh nghiệm chiến đấu.
Xuân Mai
Lực lượng an ninh đuối sức
Những nạn nhân ở TP Nice hôm 14-7 nối dài danh sách hàng trăm người thiệt mạng vì những vụ khủng bố đẫm máu liên tục nổ ra ở nước Pháp trong 18 tháng qua, chưa kể nhiều âm mưu bị chặn đứng. Tại sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu hàng đầu?
Trong thông báo nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở thủ đô Paris vào tháng 11-2015, IS nói Pháp và “tất cả những quốc gia đi theo con đường của Pháp” đều đứng đầu danh sách mục tiêu của tổ chức này. Những nhân chứng trong vụ khủng bố ở Nhà hát Bataclan kể lại tay súng đã hét lên rằng nước Pháp phải trả giá vì tất cả “những tổn hại” mà Tổng thống Pháp Francois Hollande gây ra với người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Thực ra, Mỹ mới là mục tiêu số 1 của IS nhưng chúng lại “trút giận” lên Pháp. Lý do là chúng thấy có cơ hội lớn nhất ở Pháp, theo nhận định của chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan Will McCants (người Mỹ). Paris cũng là nơi IS lôi kéo được nhiều tay súng thánh chiến hơn so với bất kỳ thành phố châu Âu nào. Thậm chí, nhà báo tiếng tăm George Packer của tạp chí The New Yorker từng đặt ra câu hỏi nhức nhối rằng phải chăng các vùng ngoại ô Paris chính là “lò ấp khủng bố”?
Theo điều tra của ủy ban thuộc quốc hội Pháp đối với các vụ khủng bố trong năm 2015, rất nhiều sai lầm của các cơ quan tình báo Pháp đã bộc lộ. Ủy ban đặc biệt nói trên đánh giá mạng lưới tình báo Pháp “đã thất bại toàn diện” và đề xuất thiết lập một cơ quan tình báo chống khủng bố giống như của Mỹ.
Vụ tấn công ở Nice một lần nữa cho thấy Pháp vẫn chưa rút ra được những bài học cần thiết. Chuyên gia chống khủng bố Aaron Cohen, cựu thành viên đơn vị đặc nhiệm Israel, hôm 15-7, đánh giá vụ tấn công ở Nice là một thất bại lớn về an ninh mà lẽ ra có thể ngăn chặn từ đầu. Theo ông, chỉ cần lập chốt kiểm tra an ninh - một hoạt động bảo vệ cơ bản tại bất cứ sự kiện đông người nào - là đã có thể ngăn được chiếc xe tải chết chóc. Đó là chưa kể nghi phạm ở Nice đã đậu xe gần 9 giờ trên chính con đường hắn gây ra cuộc thảm sát sau đó mà vẫn được cảnh sát cho qua, nhờ chỉ cần nói là “đang giao kem”, theo báo Daily Mail.
Một nhân chứng cũng nói với kênh Euronews rằng không có sự hiện diện của lực lượng an ninh khi chiếc xe tải bắt đầu lao vào đám đông và phải mất gần nửa giờ sau, cứu hỏa mới đến hiện trường. Câu hỏi đặt ra là phải chăng lực lượng an ninh Pháp đã đuối sức sau 1 năm rưỡi được tăng cường đáng kể, đặc biệt là tại kỳ Euro 2016 vừa kết thúc.
Thu Hằng
Bình luận (0)