Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 11-12, doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới năm 2016 đã tăng 1,9% so với năm trước, đạt 374,8 tỉ USD.
Ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc chiếm 2,2% trong doanh số của 100 nhà sản xuất hàng đầu toàn cầu trong năm 2016. Các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc, nguồn cung cấp vũ khí ngày càng nhiều cho quân đội nước này, có mức tăng cao nhất trong số các nước mới nổi trong lĩnh vực này, gồm Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đài CNN nhận định sự kiện Hàn Quốc đẩy mạnh chi tiêu quân sự phản ánh mối lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng với Triều Tiên. Năm 2016, doanh thu vũ khí của các công ty Hàn Quốc tăng hơn 20%, lên 8,4 tỉ USD.
Seoul là một trong những nhà nhập khẩu thiết bị và công nghệ quân sự lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua - phần lớn là từ Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc phát triển nhanh chóng.
Xe tăng của quân đội Hàn Quốc. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Hàn Quốc là một trong số những nước có tỉ lệ chi tiêu dành cho quốc phòng cao nhất thế giới, ngoài các khu vực xung đột ở Trung Đông và châu Phi, theo số liệu năm 2016 của SIPRI.
Doanh thu xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đạt 253 triệu USD năm 2006 và đã tăng lên 2,5 tỉ USD 10 năm sau đó. Các mặt hàng chủ yếu nước này xuất sang Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ bao gồm: tên lửa, pháo, tàu ngầm và máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, các công ty Mỹ vẫn đứng đầu ngành công nghiệp này với doanh số tăng 4% lên hơn 217 tỉ USD, chiếm 58% tổng doanh số toàn cầu. Đặc biệt, Công ty Quốc phòng Lockheed Martin - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới - có doanh số tăng 11% năm 2016 nhờ bán máy bay chiến đấu F-35 và thương vụ mua nhà sản xuất máy bay trực thăng Sikorsky.
Giám đốc Chương trình Chi tiêu Quân sự và Vũ khí (AMEP) tại SIPRI, ông Aude Fleurant, dự báo lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump muốn tăng ngân sách của Lầu Năm Góc và tân trang kho vũ khí hạt nhân của đất nước.
Riêng doanh số của các công ty quốc phòng Nga năm 2016 tăng 3,8%, lên 26,6 tỉ USD, nhưng vẫn chậm hơn so với những năm gần đây vì tình hình tài chính không mấy khả quan.
Ông Fleurant cho biết sự sụt giảm giá dầu và khí đốt đã ảnh hưởng nặng nề đến nguồn tài chính Nga.
Theo ông, các cuộc tranh chấp khu vực như ở biển Đông là nguồn gốc chính làm gia tăng các thương vụ vũ khí.
Bình luận (0)