Tuy nhiên, việc vị vua độc thân 73 tuổi này dưỡng bệnh ở Đức từ đầu tháng 7 đến giờ đang làm dấy lên những lo ngại xung quanh chuyện chuyển giao quyền lực chính trị ở Oman.
Bất cứ sự thay đổi nào trong bộ máy lãnh đạo ở vương quốc này đều tác động không nhỏ đến chính sách Trung Đông của Mỹ và các nước phương Tây khác.
Quốc vương Qaboos bin Said Al Said của Oman. Ảnh: AP
Cho tới nay, hoàng gia Oman vẫn không hé nửa lời về bệnh tình của quốc vương. Tuy nhiên, căn bệnh có vẻ không hề nhẹ khi nó không chỉ kéo ông ra khỏi ngai vàng hơn 4 tháng qua và còn ngăn ông xuất hiện tại lễ kỷ niệm ngày quốc khánh hôm 18-11 vừa qua. Phát biểu trong một video kéo dài 4 phút thu từ Đức trước thềm đại lễ, vị vua không hề đả động tới ngày trở về cung điện ở Muscat.
Điều đau đầu hiện nay là Quốc vương Oman không có con và cũng không có người kế vị chính thức. Giới phân tích chính trị và ngoại giao nước này cho rằng người kế vị có thể là một trong ba cậu con trai của ông bác quá cố Tariq. Tuy nhiên, cực kỳ khó đạt được đồng thuận trong lựa chọn này.
Theo luật pháp Oman, gia đình hoàng gia phải chọn được đức vua kế nhiệm trong vòng 3 ngày sau khi ngai vàng bị bỏ trống. Nếu không đạt được đồng thuận, ván cờ sẽ được quyết định thông qua lá thư để lại của Quốc vương Qaboos do một hội đồng quân sự giữ.
Nhà phân tích chính trị Ahmed Al-Mukhaini ở thủ đô Muscat nhận định không dễ để tìm được người kế vị ngôi vua có thể đảm nhận luôn vai trò của một ngoại trưởng, bộ trưởng tài chính, tổng tư lệnh quân sự như quốc vương Oman hiện nay.
“Quốc vương Qaboos là hiện thân của đất nước Oman. Có thể gọi là nhiệm vụ bất khả thi để tìm được người kế nhiệm đảm đương được đầy đủ vị trí như ông” - ông Al-Mukhaini nhấn mạnh.
Bình luận (0)