Sáu năm kể từ cuộc nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, cuộc chiến Syria đang đi từng bước chậm đến hồi kết, cùng với nhiều câu hỏi chưa được trả lời và những trận chiến còn tiếp diễn. Theo kịch bản đang dần hiện ra, ông Assad vẫn sẽ nắm quyền và không có giải pháp chính trị ý nghĩa nào cho số phận của nhà lãnh đạo này.
Đó là một viễn cảnh ảm đạm, báo trước một Syria bất ổn trong nhiều năm tới với các thị trấn và thành phố bị tàn phá, người dân sống trong đói nghèo và nền kinh tế không còn đủ sức tái thiết đất nước.
Tuy nhiên, kịch bản trên mang đến một sự rõ ràng nhất định cho chính quyền của ông Assad, hiện không còn chịu nhiều áp lực như trước trong việc đưa ra những nhượng bộ hoặc thực thi cải cách. Lần đầu tiên kể từ năm 2012, Damascus kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn bất cứ phe phái chống đối nào.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong một khóa huấn luyện vào tháng 10-2017 Ảnh: REUTERS
Quyết định cắt viện trợ cho phiến quân Syria của chính quyền Tổng thống Donald Trump, những tín hiệu từ cộng đồng quốc tế rằng họ không còn đòi hỏi một tiến trình chuyển tiếp dẫn đến sự ra đi của ông Assad và thành công tương đối của sáng kiến ngừng bắn do Nga đưa ra đã góp phần dẫn đến cảm nhận rằng chiến tranh Syria dù chưa kết thúc nhưng ít nhất cũng đã bước vào một giai đoạn mà không còn ai nghi ngờ về số phận của ông Assad.
Cuộc chiến Syria giờ đây trở thành một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của quốc tế tại những khu vực còn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
Số phận vùng lãnh thổ phía Đông Bắc do người Kurd kiểm soát, nơi quân đội Mỹ triển khai binh lính và xây dựng căn cứ nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có lẽ là khó đoán nhất. Mỹ không cam kết ở lại Syria để bảo vệ khu vực đang ngày càng mở rộng sau khi IS thất trận. Trong khi đó, chế độ ông Assad tuyên bố sẽ giành quyền kiểm soát khu vực này, ngay cả khi phải phát động chiến tranh nhằm vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu và Mỹ hậu thuẫn.
Căng thẳng leo thang giữa SDF và đồng minh với lực lượng chính phủ Syria do Nga và Iran hỗ trợ ở tỉnh Deir al-Zour, miền Đông Syria, cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc đụng độ lớn hơn nếu đàm phán phân chia chiến trường giữa Nga và Mỹ thất bại.
Hiện chưa rõ ý định của Israel khi quốc gia này theo dõi sát sao khả năng Iran hiện diện vô thời hạn ở vùng lãnh thổ Syria sát biên giới mình thông qua hoạt động của các cố vấn Iran và các tay súng thân Tehran. Israel đã tăng cường không kích các mục tiêu của phong trào Hezbollah và Iran tại Syria trong những tuần gần đây. Mặc dù chính phủ Syria chưa đáp trả, điều này có thể thay đổi khi ông Assad trở nên tự tin hơn.
Sự hiện diện của hàng ngàn tay súng al-Qaida ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, nhiều khả năng biến địa phương này thành nơi diễn ra thêm một vòng xung đột lớn nữa. Vẫn còn một số lãnh thổ bị phiến quân kiểm soát khắp Syria, tại các vùng ngoại ô thủ đô Damascus và dọc biên giới Jordan. Tuy nhiên, thật khó để hình dung tất cả trận chiến này thách thức trực tiếp quyền kiểm soát Damascus của ông Assad. Chính phủ Syria hiện kiểm soát toàn bộ thành phố lớn cùng 70% dân số và đang có quan hệ đồng minh vững chắc với Nga, Iran.
Bản thân ông Assad luôn thận trọng khi chưa tuyên bố chiến thắng. Trong những bài phát biểu gần đây, ông nhấn mạnh về mối đe dọa thường trực từ những kẻ thù phương Tây và đồng minh "khủng bố" của những quốc gia này, sự cần thiết phải tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ Syria.
Hòa bình sẽ mang đến những áp lực mới cho ông Assad trong vấn đề tái thiết và khôi phục kinh tế. Vấn đề này thậm chí có thể còn là thách thức lớn hơn việc chiến thắng cuộc chiến. Những diễn biến khó lường, chẳng hạn bất đồng giữa những phe phái ủng hộ ông Assad có thể khiến tình hình đi theo một quỹ đạo khác.
Với sự thiếu vắng một tiến trình hòa bình có ý nghĩa, không có nhiều lý do tin rằng ông Assad sẽ chấp nhận những nhượng bộ chính trị có thể làm xói mòn quyền lực của mình. Khoảng trống này đang được lấp đầy bởi một sáng kiến do Nga đứng đầu. Những cuộc thảo luận đã dẫn đến một số thỏa thuận ít nhiều giúp giảm bạo lực. Moscow cũng đang thúc đẩy một gói biện pháp cải cách để đưa nhân vật đối lập vào chính phủ, đóng băng hoạt động chiến sự tại các tiền tuyến, trao quyền tự trị nhất định cho phiến quân ở một số khu vực họ kiểm soát… Theo kế hoạch của Nga, ông Assad sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 (kéo dài 7 năm) trong cuộc bầu cử sắp tới, dự kiến diễn ra năm 2021.
Nga muốn đạt một thỏa thuận chính trị nhận được sự đồng thuận rộng rãi, mở cửa để Syria tiếp cận sự hỗ trợ quốc tế cho quá trình tái thiết, hợp pháp hóa vị thế của ông Assad lẫn vai trò của Nga ở Syria. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh tiếp tục đòi hỏi một tiến trình chính trị thực chất được hậu thuẫn bởi Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, ít nhất có thể giảm bớt quyền lực của ông Assad. Quá trình này là điều kiện tiên quyết để Mỹ tham gia vào nỗ lực tái thiết khổng lồ mà Syria đang rất cần.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu hồi tháng 8 qua, ông Assad nhấn mạnh không muốn nhận trợ giúp từ những quốc gia hỗ trợ phe nổi dậy. Ông tuyên bố Syria sẽ dựa vào những bạn bè hiện tại và hướng đến châu Á để tìm kiếm nguồn tài trợ cần thiết.
Bình luận (0)