Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lễ ký trọng thể 2 văn kiện pháp lý ngày 5-10 ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, là tuyên bố mạnh mẽ với khu vực và thế giới của 2 quốc gia độc lập, có chủ quyền về ý chí, quyết tâm hợp tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân 2 nước.
Dấu mốc lịch sử
Tại hội nghị, đại diện 2 nước đã ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng cấp nhà nước để ghi nhận thành quả PGCM đạt được. Cụ thể: Hai Thủ tướng ký "Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với Vương quốc Campuchia"; hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp PGCM biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam ký "Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen trao đổi văn bản Hiệp ước bổ sung vừa ký kết Ảnh: Ngô Nhung
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đánh giá cao ý nghĩa của thành quả đạt được kể trên, khẳng định đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của 2 bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế song phương mà 2 bên đã ký kết; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi.
Hai Thủ tướng còn nhấn mạnh các công việc cần phối hợp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo để tiến tới hoàn thành toàn bộ công tác PGCM trên toàn tuyến, cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác quản lý biên giới trong tình hình mới.
Phân giới cắm mốc 1.045/1.245 km
Từ năm 2006, Việt Nam - Campuchia đã tái khởi động công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa 2 nước căn cứ theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005. Đến nay, 2 bên đã hoàn thành PGCM đối với khoảng 1.045 km đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu - tức là đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác PGCM trên toàn tuyến (1.245 km).
Đến nay, trung bình trên toàn tuyến biên giới đã PGCM, cứ 670 m có một cột mốc hoặc cọc dấu. Thời gian tới, 2 bên sẽ tiến hành triển khai công tác quản lý biên giới theo kết quả PGCM tại những khu vực đã hoàn thành PGCM, đồng thời tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành 16% khối lượng công tác PGCM còn lại.
"Đây là thành quả vô cùng quan trọng mà 2 bên đã đạt được trong quá trình hơn 36 năm hợp tác giải quyết vấn đề về biên giới Việt Nam - Campuchia" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia đang dành sự quan tâm hơn nữa vào sự phát triển khu vực dọc biên giới; nhấn mạnh thành tựu to lớn trong công tác phân giới, cắm mốc mà 2 nước đạt được xuất phát từ sự nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp chung dựa trên tình hữu nghị, tình nghĩa anh em, sự cảm thông lẫn nhau và là người bạn mấy chục năm qua. "Tôi vô cùng tự hào vì chúng ta đã đi qua khó khăn và sắp hoàn thành cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước" - Thủ tướng Campuchia bày tỏ.
Bên lề sự kiện ý nghĩa này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Liên hợp PGCM phía Việt Nam - nêu rõ các hiệp ước, thỏa thuận sẽ tạo khung pháp lý quan trọng và thuận lợi cho việc quản lý đường biên giới. Đồng thời, tạo điều kiện cho công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng 2 nước trong vấn đề bảo đảm an ninh an toàn biên giới, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu nhân dân 10 tỉnh dọc biên giới của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. "Việc giải quyết được bước quan trọng này sẽ đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia" - ông nhận định.
Bình luận (0)