Đó là thông tin đáng chú ý trong Báo cáo Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2016 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP, trụ sở ở TP Sydney - Úc) mới đây.
Theo báo cáo thường niên lần thứ 10 này, thế giới đã thiệt hại hơn 13.600 tỉ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu, vì xung đột, khủng bố và bất ổn chính trị trong năm ngoái. Đáng lo hơn, xung đột leo thang tại Trung Đông, khủng hoảng tị nạn chưa có lời giải và thương vong gia tăng trong các vụ khủng bố lớn là những nguyên nhân góp phần khiến thế giới năm 2016 kém yên bình hơn năm ngoái.
“Hòa bình liên tục suy giảm trong 10 năm qua, phần lớn do các cuộc xung đột ngày càng tồi tệ ở Trung Đông và Bắc Phi. Chủ nghĩa khủng bố đang ở mức nghiêm trọng chưa từng có. Con số thương vong trong giao tranh cao nhất trong 25 năm qua, còn số lượng người tị nạn, mất nhà cửa cũng cao nhất trong 60 năm” - báo cáo vẽ nên bức tranh u ám về tình hình an ninh thế giới.
Theo bảng xếp hạng 163 nước, vùng lãnh thổ của IEP, Iceland một lần nữa được vinh danh là quốc gia yên bình nhất thế giới, theo sau là Đan Mạch, Áo, New Zealand và Bồ Đào Nha. Việt Nam đứng vị trí 59 trong danh sách này. Ở chiều ngược lại, Syria là quốc gia kém yên bình nhất. Trong 5 vị trí cuối cùng còn có Somalia, Afghanistan, Iraq và Nam Sudan.
IEP xếp hạng các nước, vùng lãnh thổ trong danh sách bằng cách cho điểm dựa trên những yếu tố như sự an toàn trong xã hội, mức độ xung đột, quân sự hóa, tham nhũng, dòng chảy thông tin tự do, năng lực của chính quyền… Đáng chú ý, báo cáo mới nhất đánh giá bất ổn chính trị đã xấu thêm tại 39 nước trong 12 tháng qua, nhất là Brazil.
IEP cũng ghi nhận điều mà họ gọi là “sự bất bình đẳng hòa bình” đang tăng trên thế giới: Những nước nào đã hòa bình thì thêm yên bình và an toàn, còn những nước chìm trong xung đột phải chứng kiến bạo lực diễn ra theo chiều hướng xấu thêm. Theo báo cáo, 81 nước được đánh giá là ngày càng yên bình hơn, trong khi 79 nước chịu cảnh bạo lực tồi tệ hơn vào năm ngoái.
“Lý do chính đằng sau xu hướng này là sự bất lực trong việc giải quyết các cuộc xung đột. Bạo lực ở Afghanistan và Iraq đã kéo dài hơn 10 năm rồi lan sang Syria năm 2011, sau đó là Libya, Yemen… Số người chết ngoài chiến trường khắp thế giới đã tăng lên 112.000, cao nhất trong 20 năm qua. Tuy nhiên, đến 75% số thương vong này xảy ra tại 3 nước Syria, Iraq và Afghanistan” - ông Steve Killelea, nhà sáng lập IEP, giải thích với trang The Independent.
Bình luận (0)