Mục tiêu của SEACAT là tập hợp các quốc gia đối tác trong khu vực lại với nhau để cùng tham gia diễn tập trong "thế giới thực, thời gian thực" nhằm cải thiện khả năng liên lạc, phối hợp và chống buôn lậu, cướp biển. Cuộc diễn tập nhấn mạnh đến các kịch bản huấn luyện thực tế, trong đó các bên tham gia sẽ thực hành nhận diện, theo dõi và tiến lên các tàu tham gia. Các sĩ quan liên lạc sẽ nhận báo cáo mô phỏng về các tàu tình nghi ở các eo biển Singapore và Malacca, biển Andaman hoặc biển Đông.
Chuẩn Đô đốc Joey Tynch, Tư lệnh Lực lượng Hậu cần Tây Thái Bình Dương thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết số lượng quốc gia tham gia SEACAT năm nay là cao kỷ lục kể từ khi cuộc diễn tập này bắt đầu vào 17 năm trước. Cụ thể, 14 tàu và hơn 400 nhân sự đến từ Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam đã tham gia SEACAT 2019.
Thành viên các lực lượng tham gia SEACAT 2019 trao đổi tại trụ sở Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Manila hôm 19-8. Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo trang DVIDS, SEACAT thúc đẩy các cam kết về đối tác, an ninh và ổn định hàng hải ở Đông Nam Á. Thông qua cuộc diễn tập này, các lực lượng hàng hải từ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cùng nhau cải thiện năng lực phối hợp trong nhiều lĩnh vực. "SEACAT nhằm bảo đảm an ninh hàng hải khu vực ở mức độ tốt nhất. Không có nơi nào tốt hơn để tăng cường khả năng nhận biết, chia sẻ và phản ứng hơn là cùng nhau phối hợp trên biển" - ông Tynch nhận định.
Cũng trong khuôn khổ SEACAT năm nay, Lực lượng Tuần duyên Philippines hôm 19-8 tổ chức cuộc hội thảo về an ninh hàng hải với sự tham gia của 100 đại biểu đến từ một số nước. Theo trang GMA News, hội thảo tập trung vào những đề tài như đánh bắt cá trái phép, hoạt động buôn người, ma túy, vũ khí...
SEACAT bắt đầu vào năm 2002 dưới cái tên "Hợp tác chống khủng bố ở Đông Nam Á". Đến năm 2012, hoạt động này được đổi tên để mở rộng phạm vi huấn luyện giữa hải quân và lực lượng tuần duyên các nước ở khu vực.
Bình luận (0)