Dù vậy, việc Trung Quốc kiên trì phong tỏa nghiêm ngặt theo chiến lược "Không Covid-19" khiến nhiều công ty tiếp tục "suy nghĩ lại". Trong bối cảnh đó, một số nước Đông Nam Á - bao gồm Việt Nam - được nhắc đến nhiều hơn.
"Mức độ quan tâm đến sản xuất ở Việt Nam đang rất đáng kể. Việt Nam đã trở thành một nút thắt rất quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng điện tử tiêu dùng" - ông Vishrut Rana, nhà kinh tế của tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings (Mỹ), nhận định khi trả lời phỏng vấn kênh CNBC.
Theo số liệu của công ty thông tin tài chính Wind Information (Trung Quốc), xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 vừa qua tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng giá trị 33,26 tỉ USD.
Một nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Thái Nguyên - Việt Nam Ảnh: BÌNH AN
Theo ông Rana, Trung Quốc vẫn giữ vai trò trung tâm trong mạng lưới hàng điện tử và chỉ chuỗi cung ứng của những sản phẩm rất chuyên biệt - như bán dẫn hay phụ tùng xe điện - mới có thể chuyển tới Việt Nam, Malaysia hoặc những nước khác.
Một điều phải học hỏi từ Trung Quốc, đó là ưu thế của họ không chỉ dựa trên lao động giá rẻ mà còn nhờ hệ thống trung tâm chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả bằng cách tích hợp tất cả nhà cung ứng vào một nền tảng số.
Trong một khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc hồi cuối tháng 4, gần 1/4 trong số 372 doanh nghiệp tham gia cho biết đang cân nhắc đầu tư vào các thị trường khác nhưng 77% nói không có kế hoạch như vậy.
"Chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc là điều khó khăn song khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng đầu tư vào Trung Quốc đang giảm và đầu tư vào Đông Nam Á đang tăng" - ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết trong một hội thảo gần đây.
Bình luận (0)