Nhà vật lý thiên tài Stephen W. Hawking, người lang thang vũ trụ từ chiếc xe lăn, nghiền ngẫm bản chất của trọng lực hay nguồn gốc vũ trụ và trở thành một biểu tượng của quyết tâm và trí tò mò trong con người, vừa qua đời hôm 14-3 tại nhà riêng ở Cambridge - Anh. Ông ra đi ở tuổi 76.
Truyền cảm hứng
"Chúng tôi đau buồn sâu sắc vì người người cha thân yêu đã qua đời" - 3 người con của ông Hawking, gồm Lucy, Robert và Tim, nói trong một thông cáo được trang Guardian đăng tải. "Ông là một nhà khoa học vĩ đại và là một người đàn ông phi thường, công trình nghiên cứu và di sản của ông sẽ còn tồn tại theo thời gian".
"Ông từng nói "vũ trụ sẽ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là nhà cho những người bạn yêu thương". Chúng tôi sẽ nhớ ông mãi" - các con của nhà khoa học nổi danh với thuyết vụ nổ vũ trụ "The Big Bang" trải lòng. Họ khẳng định "sự sáng tạo và hài hước" của cha mình đã truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới.
Năm 2007, ở tuổi 65, tiến sĩ Hawking đã tham gia chuyến bay không trọng lực Ảnh: AP
Nói về người đồng nghiệp Hawking, giáo sư vật lý lý thuyết tại Trường ĐH TP New York Michio Kaku cho rằng kể từ thời Albert Einstein, chưa có nhà khoa học nào có thể chiếm được trí tưởng tượng của công chúng và được hàng chục triệu người trên khắp thế giới yêu mến đến vậy.
TS Hawking đã làm nên kỳ tích đó thông qua cuốn sách "A Brief History of Time: From the Big Bang to Black Holes" (tạm dịch: "Lược sử thời gian: Từ Big Bang tới hố đen"), xuất bản năm 1988. Cuốn sách bán được hơn 10 triệu bản này được mệnh danh là cuốn "best-seller chưa đọc" đã tạo cảm hứng cho bộ phim tài liệu của đạo diễn Errol Morris.
Gọi là "best-seller chưa đọc" bởi rất nhiều độc giả coi cuốn sách này như kho báu và đọc ngấu nghiến nhưng lượng kiến thức khoa học ngồn ngộn của nó thì nhiều người vẫn chưa thể tiêu hóa hết.
Về mặt khoa học, ông Hawking sẽ được nhớ đến nhiều nhất vì một phát hiện lạ lùng tới nỗi có thể xem nó như một truyền thuyết: Khi nào lỗ đen không đen? Khi nó phát nổ!
Phi thường
Sự nghiệp phi thường của nhà khoa học được mệnh danh là người mở khóa bí mật vũ trụ và thời gian này cũng đáng kinh ngạc không kém. Ông mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) - căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể - khi mới là một sinh viên 21 tuổi và được chẩn đoán chỉ có thể sống thêm 2 năm.
Dù diễn biến chậm hơn so với bình thường và không lấy mạng ông sớm như chẩn đoán nhưng căn bệnh quái ác dần dần làm giảm khả năng kiểm soát cơ thể, khiến ông chỉ có thể động đậy ngón tay và cử động mắt.
Có điều, ALS đã không động tới được não bộ Hawking, ông vẫn không ngừng lao động và trở thành người đi đầu thế hệ trong khám phá lực hấp dẫn và các đặc tính của hố đen - những hố trọng lực vô đáy sâu và đặc tới mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra.
Công trình này đã dẫn tới một bước ngoặt trong vật lý hiện đại vào những tháng cuối cùng của năm 1973, khi ông Hawking bắt đầu áp dụng thuyết lượng tử vào các hố đen. Nhờ một phép tính toán tài tình, ông đã thông suốt được rằng hố đen thực ra không đen. Trên thực tế, ông phát hiện chúng sẽ tan chảy, rò rỉ phóng xạ cùng các hạt và cuối cùng nổ tung rồi biến mất qua các thời kỳ.
Ông Hawking (phải) thời trẻ. Ảnh: Hydro Credit Union
Phép tính nói trên được thể hiện trong một luận văn đăng năm 1974 trên tạp chí Nature với tựa đề: "Hố đen phát nổ?" và được các nhà khoa học đánh giá là cột mốc đầu tiên trong cuộc vật lộn tìm ra lý thuyết của tự nhiên để kết nối lực hấp dẫn với các cơ chế lượng tử.
Luận văn gây nhiều tranh cãi này được cho là đã giải thích vũ trụ một cách lạ thường hơn bất cứ ai từng nghĩ tới. Nhà vũ trụ học Dennis W. Sciama, đồng thời là cố vấn luận văn tiến sĩ của ông Hawking tại Trường ĐH Cambridge, gọi luận văn đăng tải trên Nature nói trên là trang đẹp nhất trong lịch sử vật lý.
Theo báo The New York Times, có thể gọi TS Hawking là con người đẩy lùi các giới hạn, không chỉ về trí tuệ - điều không thể chối cãi - mà còn về cả nghề nghiệp và đời sống cá nhân.
Hình hài bề ngoài khiến nhiều người không khỏi ái ngại nhưng ông vẫn không ngừng đi khắp toàn cầu, tới các cuộc hội thảo khoa học, viếng thăm từng lục địa, trong đó có cả Nam Cực, viết những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, kết hôn 2 lần, có 3 đứa con...
Khi được hỏi về việc không ngừng thử sức mạo hiểm như bay trên chiếc Boeing 727-200 đặc biệt hồi năm 2007 để trải nghiệm cảm giác không trọng lượng trên độ cao 10.000 m, ông Hawking chia sẻ: "Tôi muốn cho thấy tàn tật không bó buộc con người với điều kiện họ không tàn tật về tinh thần".
Bình luận (0)