xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Võ công dương danh thiên hạ

NGUYỄN TƯỜNG

Vì giúp Lý Thế Dân bình định thiên hạ, Thiếu Lâm Tự được triều đình ưu ái phát huy võ công, danh tiếng của mình cực đại, trở thành thế lực lớn

Đến đời Tùy, Tùy Văn Đế Dương Kiên đã ban cho Thiếu Lâm Tự 100 khoảnh đất tại Bách Cốc Ổ, khiến ngôi chùa này trở thành một “trang viên nhà Phật” rất có thực lực về kinh tế, chính trị.

“13 côn tăng cứu Đường vương”

Theo “Thiếu Lâm Tự bi”,  vào năm Đại Nghiệp 14 (618) đời Tùy Dượng Đế, thiên hạ đại loạn. Thiếu Lâm Tự cũng không thoát khỏi kiếp nạn, bị sơn tặc cướp phá, tăng đồ kháng cự. Chúng phóng hỏa đốt cháy hết tháp viện, nhiều phòng ốc thành tro. Thiếu Lâm Tự một lần nữa rơi vào cảnh hương tàn khói lạnh, tăng chúng lao đao.

Cuối đời Tùy, quần hùng cát cứ. Cuối cùng, còn lại 3 tập đoàn mạnh nhất là Đường vương Lý Uyên, Trịnh đế Vương Thế Sung và Hạ vương Đậu Kiến Đức. Đầu năm 620, con Lý Uyên là Tần vương Lý Thế Dân dốc binh mã toàn lực tấn công đánh bại Vương Thế Sung nhưng Đậu Kiến Đức đưa tinh binh tăng viện khiến thế trận giằng co suốt 10 tháng. Lúc này, chiến trường chính nằm ở gần Lạc Dương.

 

Võ công luôn được các thế hệ tăng nhân của Thiếu Lâm Tự khổ luyện Nguồn: INTERNET
Võ công luôn được các thế hệ tăng nhân của Thiếu Lâm Tự khổ luyện Nguồn: INTERNET

 

Giữa Lạc Dương và Thiếu Lâm Tự là Hiên Châu - vùng đất Bách Cốc Ổ mà Tùy Văn Đế đã ban cho Thiếu Lâm Tự, cách chùa chỉ 25 dặm về phía Tây Bắc. Thế đất này rất hiểm yếu, là nơi binh gia phải tranh chiếm nên Vương Thế Sung chiếm giữ, giao cho cháu là Vương Nhân Tắc trấn thủ, còn mình đóng quân gần Lạc Dương làm thế hô ứng, khiến Lý Thế Dân rất khó tấn công.

Chính lúc này, trụ trì Thiếu Lâm Tự là Chí Tháo hòa thượng, vốn có tầm nhìn xa, biết thế thiên hạ sẽ về Đường triều, lại sợ Vương Thế Sung “dòm ngó pháp cảnh, muốn đoạt Phạn cung” chiếm ngôi chùa nên quyết định hành động.

Ngày 27-4-621, đội tăng binh Thiếu Lâm Tự đã liên kết với Tư mã Hiên Châu là Triệu Hiếu Tể, chia làm 2 nhóm đột nhập thành, trong đánh ra ngoài đánh vào, bắt sống thái thú Vương Nhân Tắc giải về dinh Đường. Chiến thắng này có ý nghĩa quyết định: chỉ sau 12 ngày, quân Lý Thế Dân đã tấn công như phá trúc, bắt sống Đậu Kiến Đức, bức hàng Vương Thế Sung, triều Đường thống nhất toàn cõi.

Ba ngày sau khi chiếm được Hiên Châu, Lý Thế Dân đã phái Thượng trụ quốc Lý Đạo Viễn lên Thiếu Lâm Tự tiếp kiến tăng binh, luận công 13 vị đứng đầu, phong Đàm Tông là Đại tướng quân, ban thưởng cho chùa 40 khoảnh đất và 1 bộ trục nước.

Sự kiện này về sau được gọi là “13 côn tăng cứu Đường vương”, là đề tài hấp dẫn của phim ảnh khi nói về Thiếu Lâm Tự. Kỳ thực, khởi đầu là do các võ tăng chọn được thời cơ chính trị thích hợp. Số võ tăng tham gia chiến trận không phải ít.

Hùng cứ một phương

Câu chuyện võ tăng sử dụng binh khí là côn (gậy) đánh giặc thì mãi đến đầu đời Dân quốc mới thấy Lương Khải Siêu viết trong “Trung Hoa tân võ thuật côn thuật khoa”. Theo đó, “cuối đời Tùy, thiên hạ loạn, bọn cướp cả vạn tên xông vào Thiếu Lâm Tự, tăng chúng chạy hết. Có lão đầu đà dùng đoản côn xông vào giữa đám cướp đánh chúng ngã rạp cả, không dám vào chùa. Sau đó mới chọn trăm tăng nhân khỏe mạnh truyền thụ côn pháp. Đường Thái Tông Lý Thế Dân chinh phạt Vương Thế Sung, tăng chúng dùng côn phá giặc. Luận công đầu có 13 người”.

Về sau, các danh sư như Hàn Mộ Hiệp, Khương Dung Tiều cũng theo thuyết này. Tuy nhiên, căn cứ theo các bia văn cổ như “Tần vương Lý Thế Dân cáo Bách Cốc Ổ Thiếu Lâm Tự thượng tọa thư”, “Đường Thái Tông tứ Thiếu Lâm Tự giao”, “Hoàng Đường Tung Nhạc tự bi”..., thì đều chỉ nhắc đến 13 võ tăng của Đàm Tông bắt sống Vương Nhân Tắc chứ không hề có việc võ tăng Thiếu Lâm dùng côn giải cứu Đường vương. Từ đời Minh, côn pháp Thiếu Lâm mới vang danh thiên hạ.

Mặt khác, Lý Thế Dân lúc ấy chưa lên ngôi, vẫn còn là Tần vương. Hơn nữa, người cứu Lý Thế Dân trong trận chiến với Vương Thế Sung là bộ tướng Uất Trì Kính Đức (Uất Trì Cung) chứ không phải 13 côn tăng. Ngay trong “Hịch tướng sĩ”, Trần Hưng Đạo cũng từng viết: “Ta thường nghe... Kính Đức, một chàng tuổi trẻ thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung”. Vì thế, “13 côn tăng cứu Đường vương” nên nói chính xác là “13 côn tăng giúp Tần vương”.

Nhờ lập công lớn nên Thiếu Lâm Tự được triều Đường tin tưởng và che chở, tiếp tục duy trì đặc quyền huấn luyện tăng binh vũ trang. Thiếu Lâm Tự được xây dựng lại hoành tráng, thường xuyên tu bổ phật tháp, bảo điện nguy nga lộng lẫy. Hoàng đế, hoàng hậu thường lên Tung Sơn du ngoạn thưởng lãm “Phật môn bảo địa” Thiếu Lâm Tự.

Đời Đường, Thiếu Lâm Tự chiếm diện tích đến hơn 14.000 mẫu, tự viện xây dựng 5.418 gian, tăng chúng hơn 2.000 người. Năm 695, Võ Tắc Thiên lên đỉnh cao nhất của Tung Sơn, cho xây dựng đàn Đăng Phong, đổi niên hiệu thành “Vạn Tuế Đăng Phong nguyên niên”. Do đó, tên huyện Đăng Phong ra đời và tồn tại mãi đến ngày nay.

Năm 723, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ lệnh cho nhà thiên văn học Tăng Nhất Hành đến Thiếu Lâm Tự xây dựng bảo điện, tạo ra một tòa Phạn thiên cung điện kiến trúc vô cùng tinh tế, “treo tinh anh của nhật nguyệt, lập viên lâm như đất Phật, vờn khí sắc của khói mây”. Diện mạo Thiếu Lâm Tự càng thêm mới mẻ.

 

Võ tăng ngạo thị quần hùng

Vào cuối đời Đường, các phiên trấn có tình trạng cát cứ. Theo bộ sử “Tư trị thông giám” của Tư Mã Quang, vào năm Nguyên Hòa thứ 10 (815), võ tăng Thiếu Lâm là Viên Tịnh liên kết với Thanh Châu tiết độ sứ Lý Đạo mưu trừng phạt tham quan, định giết tể tướng, thảo phạt Đông bộ. Sau bị bộ tướng là Dương Tiến, Dương Tái Hưng làm phản, đưa quân vào Tung Sơn bắt Viên Tịnh, sai đại lực sĩ dùng dùi sắt đánh gãy chân hòa thượng nhưng cố sức mà đánh không gãy. Viên Tịnh - lúc ấy đã 80 tuổi - quát lớn “Đồ chuột nhắt, bẻ chân không xong sao dám gọi là kẻ mạnh?”. Trước khi bị hành hình, vị hòa thượng điềm nhiên nói: “Lỡ việc của ta, không để cho máu nhuộm Lạc Thành”. Qua tích này có thể thấy vị hòa thượng Viên Tịnh đã luyện được võ công đến mức thâm hậu.

 

Kỳ tới: Vượt qua kiếp nạn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo