xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiếu Lâm tự: Quyền lực và kiếp nạn

NGUYỄN TƯỜNG

Trong lịch sử phát triển 1.500 năm, Thiếu Lâm tự đã trở thành tổ đình của thiền tông Trung Hoa và cái nôi của võ công thiên hạ. Nhưng trong tiến trình “thành, trụ, hoại, không” như thuyết nhà Phật, ngôi cổ tự này cũng không thoát khỏi những kiếp nạn

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Tháng 8-2004, Thiếu Lâm tự ở Tung Sơn, tỉnh Hà Nam đã công bố rộng rãi trên mạng những bí kíp công phu được giữ kín hàng ngàn năm, như “Dịch cân kinh”, “Tẩy tủy kinh”, “72 tuyệt kỹ”, “Công phu điểm huyệt”… khiến “giang hồ” chấn động. Đúng 10 năm sau, tháng 8-2014, Thiếu Lâm tự lại một lần nữa “thiền môn dậy sóng” vì những cáo buộc liên quan đến sự bê bối của vị trụ trì Thích Vĩnh Tín về tiền và gái.

Dương danh cổ tự

Xét qua lịch sử Thiếu Lâm tự, có thể thấy ngôi chùa này gắn liền với các nhân vật tôn giáo, chính trị, quân sự nổi tiếng qua các triều đại Trung Hoa như Bạt Đà, Bồ Đề Đạt Ma, Lý Thế Dân, Võ Tắc Thiên, Triệu Khuông Dẫn, các hoàng đế triều Nguyên - Minh - Thanh, các võ tướng Thích Kế Quang, Du Đại Du, Trình Tông Du… Đó là một trong những điểm đặc biệt mà những nơi khác không có được, góp phần tạo nên danh tiếng “Thiếu Lâm Bắc Đẩu”, hình thành một “tu viện quân sự” hùng mạnh.

Tổ đình Tung Sơn Thiếu Lâm tự ở Hà Nam (ngoài ra còn có Nam Thiếu Lâm tự ở Tuyền Châu, Phúc Kiến; Bắc Thiếu Lâm tự ở Kế Huyện, Hà Bắc đều là phân tự) là một ngôi chùa cổ ẩn dưới Ngũ Nhũ Phong, núi Thiếu Thất.

Chùa được vua Hiếu Văn Đế sắc lập vào năm Thái Hòa thứ 19 đời Bắc Ngụy (năm 495), trụ trì là cao tăng Ấn Độ Bạt Đà. Bạt Đà ở Thiếu Lâm tự chuyên tâm phiên dịch các bộ kinh: Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Duy Ma, Thập Địa; truyền bá Phật giáo tiểu thừa.

 

Tăng nhân Thiếu Lâm tự chú trọng phát triển võ công thu phục thiên hạ Ảnh: INTERNET
Tăng nhân Thiếu Lâm tự chú trọng phát triển võ công thu phục thiên hạ Ảnh: INTERNET

 

Năm 527, một nhân vật mang sắc thái truyền kỳ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, ?-536) từ Thiên Trúc theo đường biển sang Nam Hải, mất 3 năm đến Kim Lăng. Lúc này là thời Nam Bắc triều, Phật giáo phía Nam coi trọng nghĩa lý, phía Bắc coi trọng thiền học.

Đạt Ma hội kiến Lương Võ Đế Tiêu Diễn - vị hoàng đế 3 lần xuất gia, đề xướng ăn chay trường - nhưng cơ duyên không hợp nên vượt sông ngược dòng đến Lạc Dương thuộc Bắc Ngụy. Đạt Ma ở Thiếu Lâm tự truyền bá thiền pháp “Đại thừa Không tông”, chủ trương tọa thiền bích quán, chùa dần dần mở rộng, tăng chúng ngày càng đông, danh tiếng ngày càng lớn. Đạt Ma được tôn là Sơ tổ thiền tông, Thiếu Lâm tự trở thành Tổ đình Thiền tông Trung Hoa.

Nơi sơn môn của Tung Sơn Thiếu Lâm tự có đôi liễn: “Địa tại thiên trung, tứ hải danh sơn vi đệ nhất; Sơn truyền ngôn ngoại, thập phương pháp giáo thị tổ nguyên” (Đất ở giữa trời, là đệ nhất danh sơn trong bốn biển; Núi truyền ngoài lời, là tổ đình của pháp giáo mười phương) khẳng định vị thế thánh địa của mình.

Thiền pháp tu hành của thiền tông gọi là “bích quán”, tức tĩnh tọa đối mặt vào vách. Do ngồi xếp bằng lâu ngày rất dễ gây mệt mỏi, Đạt Ma thấy tăng chúng thân thể yếu đuối, tinh thần uể oải mới đem “Dịch cân kinh”, “Tẩy tủy kinh” - phương pháp cường thân, kiểm soát cơ thể của Ấn Độ cổ - truyền dạy. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng Đạt Ma đã sáng chế ra Đạt Ma kiếm, La Hán thập bát thủ, truyền dạy cho tăng chúng luyện tập. Do đó mới nói Thiếu Lâm quyền là do Đạt Ma sáng lập, “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm, Thiếu Lâm võ công xuất Đạt Ma”.

Kỳ thực, vào thời Nam Bắc triều, vùng Hà Nam là nơi chiến loạn, binh lửa triền miên, thổ phỉ trộm cướp rất nhiều. Để bảo vệ tài sản của chùa, Thiếu Lâm tự ngay từ khi xây dựng đã lập đội tăng binh võ trang, đương thời nhiều tự viện, miếu đường các nơi khác cũng đều như thế cả. Những khảo sát gần đây cho thấy các chiêu thức trong Đạt Ma kiếm, La Hán thập bát thủ có phong cách tương đồng với chiêu thức quyền, binh khí cổ vốn đã định hình từ đời Hán, Tam Quốc.

Bị tàn phá lần thứ nhất

Vương triều Bắc Ngụy ra sức đề xướng Phật giáo, tạo chính sách ưu đãi tối đa. Xuất gia tu hành, lập chùa, lập viện trở thành rất phổ biến. Ngay cả ái nữ của Ngụy Tuyên Võ Đế là Vĩnh Thái công chúa cũng lên Thiếu Lâm tự quy y. Theo sử liệu ghi chép, vào thời kỳ Bắc Chu, Bắc Tề, số tăng lữ đã chiếm đến nửa dân số. Chỉ riêng xung quanh thành Lạc Dương đã có hơn 1.370 ngôi chùa.

Bắc Chu Võ Đế là Vũ Văn Hỗ lên ngôi không lâu thì Lý hoàng hậu xuất gia làm ni, tiếp đó có đến 5 hậu phi nối nhau xuất gia. Chuyện “hậu cung vắng lạnh” không làm cho vua quá lo lắng nhưng ông phát hiện quốc khố trống rỗng, thuế thu kém sút, chùa chiền ngày càng nhiều mà ruộng đất khắp nơi không người cày cấy nên đứng ngồi không yên. Lúc này, có một sa môn hoàn tục là Vệ Nguyên Tung cùng đạo sĩ Trương Tân dâng biểu lên Võ Đế kiến nghị nên “bớt chùa giảm tăng”. Võ Đế cũng đang muốn “hưng Nho ức Phật” nên từ năm Thiên Hòa đến Kiến Đức (566-578) từng 7 lần chiêu tập bá quan cùng hòa thượng, đạo sĩ để biện luận về cái ưu, cái khuyết của tam giáo, mượn đó để phế Phật giáo.

Ý chí ức Phật của Võ Đế không thành vì trong triều còn nhiều đại thần sùng Phật giáo. Võ Đế truyền cho đạo sĩ Trương Tân tranh luận cùng hòa thượng Thiếu Lâm tự là Trí Huyền về lý đạo nhưng không thắng nổi. Ngay bản thân Võ Đế cũng không thể nào khuất phục được Trí Huyền. Võ Đế nổi giận, tháng 3-574 hạ lệnh phế trừ cả Phật giáo, Đạo giáo, cưỡng chế hơn 200 vạn tăng nhân, đạo sĩ toàn quốc hoàn tục, đốt phá kinh sách, tượng tháp, tất cả chùa, miếu và đạo quán ban cho vương công quý tộc, tài sản tịch thu.

Trong đợt mà sử gọi là “Võ Chu diệt Phật” này, Thiếu Lâm tự lần đầu tiên bị tàn phá nghiêm trọng, Phật tượng, tháp miếu bị hủy; tăng phòng, phật điện bị đốt, tăng chúng lưu lạc tứ tán. Ngày nay, trong Thiếu Lâm tự còn tấm bia “Thiếu Lâm tự bi” khắc vào đời Đường có chép: “Trong khoảng năm Kiến Đức của Chu Võ Đế, tiếp nạp cái thuyết của Nguyên Tung, diệt 2 giáo Thích và Lão, những cảnh già lam đều bị phế hủy”.

 

Đổi tên thành Trắc Hỗ tự

Cuộc “diệt Phật hủy pháp” của Bắc Chu Võ Đế kéo dài 5 năm, chùa chiền phương Bắc Trung Hoa cơ hồ diệt tuyệt, tăng chúng trốn về Giang Nam. Năm 578, Võ Đế mất, Tuyên Đế rồi Tĩnh Đế lên thay mới thay đổi chính sách tôn giáo, trùng hưng Phật giáo. Năm 580, Thiếu Lâm tự được trùng tu lớn nhưng đổi tên thành “Trắc Hỗ tự”, 2 danh tăng nổi tiếng là Tuệ Viễn, Hồng Tôn được phái đến đồng trụ trì ngôi chùa này.

 

Kỳ tới: Võ công dương danh thiên hạ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo