Nói về vụ việc, cô Chantamart (35 tuổi) cho biết đầu tiên cô nghe một tiếng động lớn giống như tiếng bom nổ cách nơi ở của cô vài km trước khi một âm thanh lạ xuất hiện, nghe như tiếng gió.
Linh tính mách bảo cô rằng một trong những con đập đang xây gần bản của cô ở phía Nam của Lào đã gặp sự cố. Ngay lập tức, cô gõ cửa nhà hàng xóm và hối thúc mọi người đến những khu vực cao hơn.
"Nước đang ập đến" – cô Chantamart thông báo với mọi người.
Chỉ trong vòng 30 phút, bản Xay Done Khong của cô Chantamart (tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu) đã bị ngập với mực nước cao hơn 9 m và tiếp tục gia tăng.
Người phụ nữ 35 tuổi cùng hàng trăm người dân tại bản Xay Done Khong đã thoát khỏi dòng nước lũ chết chóc khi đập phụ của thủy điện Xepian - Xe Nam Noy vỡ vào hôm 23-7 giữa lúc mưa lớn.
Nước từ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy cùng với nước mưa nhấn chìm nhà cửa của hàng ngàn người. Ảnh: EPA
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Trong bổi họp báo ngày 25-7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết vụ vỡ đập khiến 26 người thiệt mạng, ít nhất 131 người mất tích và hơn 3.000 người mất nhà cửa.
Cô Chantamart cho biết 15 người dân tại bản của mình vẫn còn mất tích, trong đó có 9 trẻ em. Người phụ nữ 35 tuổi này vẫn chưa trở về nhà do nước lũ dâng lên quá cao.
"Tôi lo lắng cho những người mất tích, từ đáy lòng của tôi" – cô Chantamart bày tỏ.
Cô Chantamart còn nói rằng cô không còn hy vọng nhiều về việc nhà cô hay làng cô còn sót lại thứ gì. "Nhà cửa bị lũ cuốn trôi hết rồi" – cô Chantamart nghẹn ngào nói.
Sau khi thoát khỏi dòng lũ, cô Chantamart và hàng trăm dân làng cô đã được binh sĩ và giới chức địa phương đưa đến thị trấn Paksong, phía Tây đập thủy điện Xepian - Xe Nam Noy, để tạm trú tại một nhà kho trống vốn thường được dùng để chứa cà phê.
Nhiều gia đình được đưa đến điểm tạm trú ở thị trấn Paksong, phía Tây đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy. Ảnh: New York Times
Cô Chantamart nói rằng cô không chắc ai chịu trách nhiệm vụ việc nhưng theo cô, chính phủ và công ty đứng sau dự án đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nên thực hiện nhiều hành động hơn để giúp đỡ các nạn nhân.
"Người dân ở đây đang bị sốc, sợ hãi và cảm thấy tiếc cho nhau vì sự mất mát" – cô Chantamart nói, đồng thời cho biết thêm rằng khoảng 70% dân làng cô là người dân tộc thiểu số chủ yếu trồng gạo và cà-phê.
"Mọi người ở làng tôi mất tất cả, từ thú vật đến nhà cửa. Tất cả những gì mà chúng tôi còn giữ được là tính mạng của mình" – ông Den Even Den, một nông dân đến từ bản Xay Done Khong, chia sẻ.
Giữa ngổn ngang những khó khăn đó, tình người nơi đây là một phần sức mạnh giúp người dân vượt qua bao khó khăn, gian khổ đang ở trước mắt.
Bình luận (0)