Anh Leith Khdeir Abbas, 27 tuổi, cùng khoảng 50 người Iraq khác có mặt tại sân bay Tegel ở thủ đô Berlin chờ chuyến bay của hãng Iraqi Airways để trở về TP Erbil, miền Bắc Iraq.
Abbas cho biết anh di cư tới Đức để xây dựng tương lai nhưng khi nhận ra “tất cả đều là giả dối”, anh quyết định quay trở về. “Tôi nhớ nhà và cảm thấy bị sỉ nhục” – người đàn ông 27 tuổi buồn bã chia sẻ về thời gian sống ở một nơi trú ẩn tại Berlin với nhà vệ sinh bốc mùi và thức ăn nuốt không trôi.
Anh Abbas mất 4.000 USD – gồm khoản phí lót tay cho những kẻ buôn lậu – để tới được Đức từ thủ đô Baghdad của Iraq. Sau khi lênh đênh trên một chiếc thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp, anh và hàng trăm người tị nạn khác tiếp tục chuyến đi kéo dài ròng rã nhiều tuần qua vùng Balkans và lãnh thổ của Áo trước khi tới được “vùng đất hứa”.
Tuy nhiên, không như những gì Abbas tưởng tượng, anh phải sống ở trại dành cho người tị nạn và chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết chỗ ăn, ở đàng hoàng hơn. Với khoảng 1,1 triệu người nhập cư tràn vào hồi năm ngoái, chính phủ Đức gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống của tất cả di dân này.
Số liệu của Bộ Nội vụ Đức cho thấy người tị nạn Iraq chọn cách trở về quê hương tăng dần từ tháng 9-2015. Ban đầu, chỉ có khoảng 10 người rời khỏi Đức mỗi tháng trong bảy tháng đầu năm 2015 nhưng đến tháng 9 đã tăng lên 61 người. Tới tháng 12, con số này lên cao kỷ lục: 200 người Iraq đã xin hồi hương.
Đại diện hãng hàng không Iraqi Airways ở sân bay Tegel, Andesha Karim, ái ngại cho biết thật buồn khi phải chứng kiến nhiều thanh niên Iraq phải quay lại các khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.
Hassan, 19 tuổi, người Kurd tại Iraq, là một trong những người tị nạn quyết định về quê tham gia lực lượng Peshmerga chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Châu Âu chẳng tốt lành gì. Họ không cấp giấy tạm trú cho chúng tôi, cũng chẳng có đồng xu nào cả” – anh nói.
Để có được chỗ ngồi trên máy bay về TP Erbil giá 280 USD, người tị nạn phải được Đại sứ quán Iraq tại Berlin cấp phép. Đối với những người bị mất hộ chiếu, con đường trở về quê hương khó khăn gấp bội nếu đơn của họ bị đại sứ quán từ chối. Còn những người không đủ tiền bắt máy bay có thể yêu cầu Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) hỗ trợ.
Dù vậy, không phải ai cũng muốn rời khỏi nước Đức. Như trường hợp của anh Abdallah al-Alagi, bạn của Abbas, vẫn đang hy vọng được nhà chức trách cấp quy chế tị nạn sớm. Tiễn bạn tại sân bay, al-Alagi cười tươi và hét lớn: “Nhớ nói mẹ tôi gửi đồ ăn ngon lành một chút”.
Bình luận (0)