Theo phán quyết vừa được đài DW (Đức) đăng tải ngày 10-5, tòa án ra phán quyết với nội dung bác đơn kiện nhằm vào 14 công ty liên quan đến việc sản xuất hoặc bán chất độc Da cam cho chính phủ Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Tòa án ở Ervy, ngoại ô Paris, nơi bà Nga sinh sống, cho rằng họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động thời chiến của chính phủ Mỹ.
Bà Trần Tố Nga tại một sự kiện ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Paris - Pháp hồi tháng 1-2021. Ảnh: AP
Bà Nga đã đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc Da cam - bao gồm Monsanto, công ty hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer (Đức) và Dow Chemical - vì đã gây ra những tổn thương mà bà, con bà và vô số nạn nhân Việt Nam khác gánh chịu.
Bà Nga cho biết mình đang chịu ảnh hưởng từ chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường týp 2 và dị ứng insulin cực hiếm gặp. Người phụ nữ 79 tuổi này cũng cho biết bà đã mắc bệnh lao hai lần và ung thư trong khi một trong những người con gái của bà qua đời do dị tật tim.
Bà Nga mô tả vụ kiện là “cuộc chiến cuối cùng” của đời mình. Phiên tòa bắt đầu diễn ra từ hôm 25-1.
Liên quan đến vụ kiện, các công ty lập luận việc sử dụng chất độc da cam là trách nhiệm thuộc về quân đội Mỹ. Một đại diện của hãng Bayer cho rằng các nhà cung cấp trong chiến tranh không chịu trách nhiệm. Trong khi đó, một luật sư của Monsanto cho biết Mỹ đã sử chất độc Da cam vì “bảo vệ quốc gia”.
Theo các luật sư, bà Nga sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án. Đội ngũ luật sư cũng cho biết họ hy vọng bà Nga đủ sức khỏe để tiếp tục đấu tranh cho đến khi quá trình xét xử kết thúc.
Trong hơn một thập kỷ, quân đội Mỹ đã rải hàng chục triệu lít hóa chất khai quang trong Chiến tranh Việt Nam. Hàng triệu người ở Việt Nam, Lào và Campuchia bị phơi nhiễm chất độc Da cam. Nhiều thế hệ trẻ em ra đời với tỉ lệ khuyết tật cao, bao gồm hội chứng down, bại não và biến dạng mặt nghiêm trọng. Những tác động như vậy được cho là có liên quan đến chất khai quang này.
Các cựu binh Mỹ, Úc và Hàn Quốc trước đó đã nhận được khoản tiền bồi thường do hậu quả của chất độc Da cam. Vào năm 1984, các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường gần 180 triệu USD, song những nạn nhân người Việt Nam lại chưa bao giờ được bồi thường.
Bình luận (0)