Đó là một hành trình 10 năm đi đòi công lý của một người phụ nữ 81 tuổi.
Chỉ mới là khởi đầu
Người phụ nữ nhỏ thó, tóc đã bạc trắng, kiên trì, dũng cảm, ngồi trong phòng khách của căn hộ nhỏ ở tầng trệt một chung cư ngoại ô yên tĩnh, mang đầy bệnh trong cơ thể, mang cả một phần lịch sử chiến tranh Việt Nam trên da của mình. Và một giọng nói nhỏ nhẹ, đôn hậu, bà lên tiếng: "Xưng hô chị em nhe! Uống tách trà cho ấm người. Ăn gì chưa em? Ở nhà ai nấu cơm?".
Trong vài khoảnh khắc đó, người đàn bà đứng trước phiên tòa, đối đầu với đội luật sư hùng hậu, hung hăng và đầy tài lực của Bayer, Dow Chemical đã trở lại với bản năng của người chị lớn, người mẹ.
Bà Trần Tố Nga tại nhà riêng vào trưa 9-5 (giờ Paris). Ảnh: VÕ TRUNG DUNG
"Ngày mai có phán quyết rồi. Chị vừa xao xuyến vừa nôn nao. Nhưng chị đã chuẩn bị tinh thần từ bao năm nay và cũng đã chuẩn bị tất cả các kịch bản, hành động ngày mai. Bất kể kết quả của phán quyết như thế nào. Nôm na là thắng hay thua theo nghĩa pháp lý. Chị lạc quan nhưng chị thực tế. Ngày mai chỉ là kết quả của bước đầu tiên trong con đường đi tìm công lý cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam trên trái đất này, cho chị, cho gia đình chị!" - bà Nga tâm sự.
Chất độc hiệu ứng đa thế hệ
Chất độc da cam và các hóa chất tương tự đã được quân đội Mỹ sử dụng từ đầu những năm 1960 đến năm 1971 để phá hủy các loại cây trồng được coi là quan trọng đối với nguồn cung cấp lương thực của phe địch và làm rụng lá các khu rừng được sử dụng làm nơi ẩn trú ở Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, khu phi quân sự Triều Tiên và Lào.
Chất độc da cam chứa "TCDD" - viết tắt của "3,7,8-tétrachlorodibenzo-p-dioxin"- chất dioxin độc hại nhất trong các dạng hóa chất tương tự. TCDD có liên quan đến ít nhất 17 bệnh tật và ung thư; tiếp tục gây ô nhiễm cho các khu vực nơi chất này được rải xuống, cùng tồn tại trong nhiều thập kỷ. Theo một số ước tính, tại Việt Nam có tới 4,8 triệu người đã bị nhiễm trực tiếp hau gián tiếp và vẫn tiếp tục sang các thế hệ sau.
Một trong 3 luật sư đại diện miễn phí cho bà Trần Tố Nga, nữ luật sư Amélie Lefèvbre, Công ty Luật Bourdon và Cộng sự, khẳng định: "Chúng tôi đã thu thập đủ thông tin để cho thấy rằng các công ty [bị kiện] vào thời điểm đó biết rõ về độc tính đặc biệt của chất độc da cam và mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục sản xuất. Chúng tôi có đủ các yếu tố để chứng minh rằng họ có quyền lựa chọn và nếu chúng tôi thuyết phục được tòa án, trường hợp cụ thể này [của bà Trần Tố Nga] có thể được sử dụng về mặt pháp lý ở nơi khác".
Một thẩm phán của tòa án, không muốn được nêu tên, bình luận: "Nếu hội đồng xét xử của tòa án TP Evry, vì lý do nào đó, như cho rằng chứng cứ khoa học chưa đủ để kết án, không kết luận được trách nhiệm của các công ty hóa chất đa quốc gia, phán quyết này sẽ dập tắt hy vọng về điều mà các nhà đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam coi là "phiên tòa lịch sử" và là cơ hội duy nhất để giải trình. Nhưng nếu tòa án phán quyết có lợi cho bà Trần Tố Nga, bà ấy sẽ là thường dân đầu tiên thắng một vụ kiện như vậy".
Chương trình “Vụ kiện da cam - Một nguyên đơn, triệu nạn nhân” diễn ra tại Đường sách TP HCM từ ngày 8 đến 13-5 ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga Ảnh: THÙY TRANG
Về phần mình, bà Nga thổ lộ: "Điều chị muốn từ các công ty sản xuất chất độc da cam là họ có can đảm nhận ra tội ác của mình và can đảm sửa chữa những gì họ đã gây ra hay không. Thắng? Thua? Chị và các nạn nhân đã thắng rồi khi tòa án Pháp quyết định mở phiên tòa. Đây chỉ là bước đầu thực tiễn cho nhiều bước tiếp theo".
Chiến lược "Chạy trốn trách nhiệm"
Tập đoàn đa quốc gia Đức Bayer - đã mua lại Tập đoàn Mỹ Monsanto - nêu trong một tuyên bố báo chí ngày thứ sáu (7-5) vừa qua: "Mặc dù chúng tôi rất thông cảm cho bà Trần Tố Nga và tất cả những người đã phải chịu đựng [chất độc da cam] trong chiến tranh Việt Nam nhưng chúng tôi tin rằng tòa án nên bác bỏ các yêu sách này. Trong quá khứ, các tòa án đã xác định rõ rằng các nhà thầu thời chiến hoạt động theo lệnh của chính phủ Mỹ không chịu trách nhiệm về các cáo buộc thiệt hại liên quan đến việc chính phủ sử dụng các sản phẩm như vậy trong thời chiến".
Bà Susan Hammond, giám đốc điều hành của Dự án nghiên cứu "Di sản chiến tranh" (Mỹ), trả lời báo Washington Post ngày 8-5 về vụ kiện này: "Trong bất kỳ trường hợp nào đã đưa ra tòa án Mỹ, các công ty hóa chất luôn được bảo vệ theo quyền được miễn trừ như chính phủ Mỹ liên quan tới chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia".
Các công ty bị kiện khác thì tuyên bố chung chung rằng "nhiều thập kỷ nghiên cứu liên quan đến chất độc da cam đã không tạo ra mối liên hệ nào với bất kỳ bệnh tật, dị tật bẩm sinh hoặc các tác động chuyển thế hệ khác", đồng thời thêm rằng vấn đề này sẽ phụ thuộc vào "chính phủ Mỹ và Việt Nam để giải quyết".
Các công ty hồi hộp
Phán quyết và sự thực thi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các công ty hoạt động duy nhất ở Mỹ. Nhưng một số khác, như DowChemical, đang hoạt động trên khắp thế giới, sẽ quan tâm đến việc tuân thủ phán quyết của tòa án Pháp, có giá trị toàn châu Âu. Phán quyết này cũng ảnh hưởng lớn đối với Bayer của Đức.
"Chiến binh" 81 tuổi nhắn nhủ: "Tôi không đấu tranh cho chính mình. Tôi đang đấu tranh vì công lý cho đồng bào Việt Nam của tôi và cho các nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ cùng các nước khác. Ngày mai, chúng ta sẽ cùng nhau hát bài chiến thắng hoặc sẽ cùng tiếp tục hô vang và tiếp tục tranh đấu. Sau khi tôi mất đi, sẽ có những người khác nối tiếp!".
Bất kể phán quyết ngày 10-5 như thế nào, con đường sắp tới của nạn nhân da cam sẽ còn dài...
Bình luận (0)