Thủ tướng Anh Theresa May hôm 12-3 khẳng định trước Quốc hội rằng Moscow nhiều khả năng liên quan đến vụ việc nói trên. Bà May còn tuyên bố nếu Moscow không có lời giải thích thỏa đáng đến cuối ngày 13-3, London sẽ kết luận vụ việc nói trên là một "vụ tấn công trái pháp luật gây ra bởi chính phủ Nga nhằm chống lại Anh".
Vậy Anh có thể làm gì để trả đũa Nga? Và liệu Mỹ, khối Liên minh châu Âu (EU) hay những tổ chức khác có hỗ trợ Anh hay không?
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị đầu độc tại Anh. Ảnh: Sky News
Trả đũa trực tiếp
Anh có thể trục xuất giới chức ngoại giao Nga như đã từng làm sau vụ cựu gián điệp Nga Alexander Litvinenko bị đầu độc vào năm 2006 bằng phóng xạ polonium.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng động thái nêu trên cùng với những biện pháp khác, bao gồm hạn chế thị thực đối với giới chức Nga, không ăn thua. Thậm chí, nghi phạm chính trong vụ đầu độc Litvinenko là ông Andrei Lugovoi hiện là một nghị sĩ Nga, theo BBC.
Cũng theo BBC, những hành động đáp trả cứng rắn hơn mà Anh có thể thực hiện là trục xuất giới chức ngoại giao cấp cao của Nga, kể cả đại sứ Nga, và toàn bộ điệp viên Nga mà London biết.
Bên cạnh đó, Anh cũng có thể cấm các nhà tài phiệt giàu có của Nga tiếp cận tài sản của họ ở London theo lời gợi ý của nghị sĩ Tom Tugendhat.
Tẩy chay sự kiện World Cup mà Nga tổ chức vào hè này hay tước giấy phép hoạt động của một số hãng tin lớn của Nga hoạt động tại Anh, chẳng hạn như RT, cũng là một số biện pháp trả đũa mà London có thể thực hiện.
Kêu gọi EU mạnh tay trừng phạt Nga?
Những biện pháp trừng phạt Nga hiện hữu mà Anh ủng hộ được ban hành thông qua EU. Chúng được thông qua lần đầu tiên sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 cũng như hậu thuẫn phiến quân chiến đấu ở Đông Ukraine. Theo đó, khoảng 150 cá nhân và 38 công ty Nga đã bị cấm thị thực và đóng băng tài sản.
Các biện pháp trừng phạt Nga đang là một vấn đề gây chia rẽ trong EU. Một số quốc gia như Hungary, Ý và Hy Lạp đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt này.
Tuy nhiên, sau vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc, xuất hiện một số ý kiến cho rằng Anh có thể thuyết phục EU ban hành lệnh trừng phạt nặng nề hơn chống lại Nga.
Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ ra tay?
Bằng việc mô tả vụ đầu độc ông Skripal nhiều khả năng là một "vụ tấn công trái pháp luật" của Nga nhằm vào Anh, Thủ tướng May đã đặt ra các câu hỏi rằng liệu đây có phải là một vấn đề chung đối với NATO hay không, theo BBC.
Mục 5 trong chính sách quốc phòng chung của NATO nêu rõ bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào 1 trong số 29 thành viên của tổ chức này đều bị xem là một cuộc tấn công chống lại cả tổ chức.
Đến thời điểm hiện tại, Mỹ là quốc gia đầu tiên và duy nhất kích hoạt điều mục nêu trên sau sự kiện khủng bố ngày 11-9 ở TP New York.
Anh có đang được đồng minh ủng hộ?
Anh cũng có thể nêu vấn đề lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) và tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để chống lại Nga.
Thủ tướng May đã bàn bạc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cả 2 nhà lãnh đạo "đã đồng ý rằng điều quan trọng là các quốc gia đồng minh phải tiếp tục hợp tác với nhau".
Mặc dù bà May chưa trò chuyện với Tổng thống Donald Trump về vụ việc nêu trên, Mỹ và Anh đã thảo luận với nhau "ở cấp độ quan chức cấp cao".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal "rõ ràng là xuất phát từ Nga".
Tổng thống Trump hiện vẫn chưa lên tiếng về vụ việc.
Bình luận (0)