xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vũ khí bí mật của NSA

NGUYỄN CAO

Do bảo mật kém hay NSA sở hữu nhiều vũ khí “khó đỡ” khiến Pháp “chảy” bí mật chính trị, ngoại giao và kinh tế?

Đó là câu hỏi của dư luận sau khi nhật báo Libération và Mediapart tiết lộ tài liệu mật của WikiLeaks cho thấy Mỹ - cụ thể là Cơ quan Tình báo quốc gia (NSA) - ăn cắp có hệ thống bí mật chính trị, ngoại giao và kinh tế nước Pháp trong hơn 10 năm qua.

Nạn nhân… có chọn lọc

Họ thu thập thông tin bí mật bằng cách nghe lén điện thoại ba đời tổng thống Pháp từ ông Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy đến Francois Hollande, thâm nhập máy chủ mạng nội bộ của các bộ Ngoại giao, Kinh tế, Thương mại và nhiều doanh nghiệp chiến lược của Pháp.

Nếu các tài liệu của WikiLeaks cho biết NSA ăn cắp được những gì thì câu trả lời cho câu hỏi trên lại không rõ ràng. Người ta chỉ biết NSA thực hiện nhiệm vụ theo một bản danh sách đối tượng chọn lọc bao gồm tên tuổi các vị tổng thống, các bộ trưởng, các quan chức cao cấp chính quyền Pháp kèm theo những từ khóa như số điện thoại, số thẻ tín dụng, địa chỉ e-mail. Theo Libération, năm 2010, có tất cả 51 vị bị theo dõi và nghe lén theo thứ tự ưu tiên.

 

Ông Nicolas Sarkozy thử máy Teorem từ thời làm tổng thống Ảnh: LE POINT
Ông Nicolas Sarkozy thử máy Teorem từ thời làm tổng thống Ảnh: LE POINT

 

Thực hiện những cuộc nghe lén, đọc trộm này là “S2C32”, mật danh của SCS (Special Collection Service) - đơn vị tình báo đặc biệt có “cha chung” là CIA và NSA. Nhiệm vụ của SCS không chỉ giới hạn trong nước Pháp mà toàn châu Âu. Năm 2013, theo tiết lộ của tuần báo Đức Der Spiegel, điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel cũng bị NSA nghe lén. Vụ bê bối này khiến quan hệ Mỹ - Đức căng như dây đàn.

Vậy NSA dùng cách gì để nghe lén Pháp và các nước đồng minh? Bởi không “bắt được tận tay day tận mặt”, nhiều giả thuyết đã được nêu ra.

Nghi phạm số 1

Nghi phạm đầu tiên là tòa đại sứ Mỹ tọa lạc ở số 2 đại lộ Gabriel, quảng trường Concorde, Paris. Đây là địa điểm lý tưởng để hoạt động gián điệp bởi Điện Élysée (Phủ Tổng thống) chỉ cách đó 350 m, cách Bộ Nội vụ 450 m, Bộ Tư pháp 600 m, Bộ Ngoại giao và trụ sở Quốc hội 700 m, Bộ Quốc phòng 950 m. Trụ sở nhiều doanh nghiệp chiến lược của Pháp và nhiều đại sứ quán nước ngoài cũng nằm trong phạm vi bán kính 1 km.

Tầng thượng của tòa đại sứ có một kiến trúc bằng vải bạt được bí mật xây dựng giữa năm 2004-2005 với những cửa sổ giả (sơn) rất kỳ lạ. Theo blogger “Zone d’intérêt”, đây chính là nơi SCS hành sự. Nhà bạt này che giấu một hệ thống nghe lén tinh vi có chất liệu đặc biệt cho phép thu thập tín hiệu viễn thông xuyên tường. Ngoài ra, dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao, đặc vụ SCS có thể tác nghiệp ở bên ngoài mà không sợ lộ.

Điều tra riêng của báo Đức Der Spiegel xác định bà Merkel bị nghe lén từ tầng thượng tòa đại sứ Mỹ ở Berlin. Báo L’Expresso của Ý cũng từng bật mí “SCS hoạt động (từ tòa đại sứ Mỹ) ở 88 nước vào lúc cao điểm - năm 1988”, trong đó có 19 nước châu Âu, đặc biệt ở các thủ đô Paris, Berlin, Geneva, Madrid, Stockholm, Vienna và Warsaw. Trong các nghi phạm, đây là nghi phạm số một.

Điện thoại bảo mật có cũng như không

Giả thuyết thứ hai liên quan đến điện thoại mà các nhà lãnh đạo Pháp đã và đang dùng. Nhật báo Le Monde nhắc lại: Năm 2006, Ủy ban Quốc phòng Pháp (SGDN) từng cảnh báo mối hiểm họa từ việc sử dụng điện thoại BlackBerry trong giới chức cấp cao. Mặc dù nhà sản xuất RIM của Canada bảo đảm BlackBerry được bảo mật rất cao song vẫn không thể an toàn tuyệt đối.

Giữa năm 2007, lời cảnh báo này đã được lặp lại sau khi phát hiện nội dung điện đàm thực hiện trên các máy BlackBerry cung cấp cho tổng thống, thủ tướng và các quan chức cấp cao lúc bấy giờ đã được lưu trong các máy chủ đặt ở Canada. Mà ở nơi đây “cơ quan tình báo Mỹ và Canada hợp tác với nhau rất chặt chẽ” - theo SGDN.

Hồi tháng 1-2010, theo đề xuất của SGDN, chính phủ Pháp đặt mua 14.000 chiếc điện thoại Teorem của tập đoàn điện tử Thales để trang bị cho tổng thống và các quan chức cấp cao. Cánh quân đội sau khi sử dụng Teorem đã nhận xét “đây là mẫu điện thoại bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, loại này vẫn có nhiều nhược điểm.

Theo ông  Jean-François Beuze - chuyên gia về an ninh mạng - người dùng không hào hứng với Teorem vì hình thù thô kệch, giao diện không bắt mắt, cách dùng phức tạp, đòi hỏi nhiều thao tác, mất cả phút để thực hiện một cuộc gọi hay nhắn tin SMS vì phải qua bộ lọc an ninh mạng nội bộ.

Nhưng một trong những lý do dễ bị nghe lén là tính “vô kỷ luật”. Năm 2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã từ bỏ chiếc BlackBerry - vật bất ly thân từ thời làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - để dùng điện thoại bảo mật tốt hơn do bên an ninh cung cấp. Dù vậy, ông vẫn dùng điện thoại hàng hiệu khác để thực hiện những cuộc gọi và nhắn tin riêng tư. Nhiều bộ trưởng và cố vấn thân cận của ông vẫn dùng BlackBerry hoặc iPhone không chỉ để bàn chuyện riêng mà cả chuyện quốc sự. Bởi vậy mới có chuyện WikiLeaks tiết lộ một cuộc đàm thoại giữa Ngoại trưởng Alain Juppé và Tổng thống Sarkozy đã bị SCS ghi âm hồi tháng 6-2011.

Một giả thuyết khác: SCS có thể giải mã điện thoại Teorem song chưa ai xác minh được chuyện này. Điện Élysée luôn luôn khẳng định: “Mọi biện pháp cần thiết đã được triển khai để bảo đảm an ninh liên lạc trong nội bộ chính phủ, bắt đầu từ tổng thống”.

 

Nhiễm virus lạ

Bernard Muenkel, nguyên Trưởng Phòng Công nghệ thông tin Phủ Tổng thống Pháp, kể lại: Cuối năm 2011, ông phát hiện một vị khách không mời trong máy chủ, một con virus nham hiểm có khả năng vượt tường lửa, mọi phần mềm chống virus và biết tàng hình. Kiên nhẫn nghiên cứu, ông Muenkel lần ra nguồn gốc của nó ở tận bên Mỹ.

Ông xin phép kiểm tra toàn bộ các đường cáp và thiết bị điện tử trong phủ để xem kẻ “thích khách” từ đâu đến. Thế nhưng, khi xin phép kiểm tra những đường cáp bên ngoài phủ nằm trong hệ thống cống ngầm Paris, trong đó có đường cáp dẫn đến tòa đại sứ Mỹ, thì bị từ chối. Mãi đến sau này, ông mới biết do đang tranh cử tổng thống năm 2012 nên ông Sarkozy không muốn gây thù chuốc oán với Washington.

 

Kỳ tới: Cơn bão trong chén trà

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo