Tổng cộng họ phát hiện hơn 1 triệu linh kiện giả ở trong các chiến đấu cơ, như máy bay vận tải Boeing C-17 và Lockheed Martin C-130J – được mệnh danh là “Siêu Hercules”.
Ngoài ra, nhiều vũ khí tối tân khác cũng cùng chung số phận “ruột giả” như trực thăng CH-46 Sea Knight của Boeing và hệ thống phòng thủ tên lửa Theatre High-Altitude Area Defence (THAAD).
Thượng nghị sỹ John McCain, ủy viên cấp cao của ủy ban vũ khí thượng viện nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể chấp nhận được việc tồn tại những nguy cơ kiểu như hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo không bắn trúng mục tiêu, một phi công lái trực thăng không thể bắn được tên lửa, hay các lỗi khác mà nguyên nhân đến từ linh kiện giả".
Các chuyên gia cho biết đây không phải vấn đề mới mẻ gì, mà đã nảy sinh từ hồi ban hành quyết định những năm 1990, dưới chính quyền Tổng thống Clinton nhằm cắt giảm chi phí bằng cách yêu cầu Lầu Năm Góc mua các thiết bị điện tử “bán sẵn” thay vì tự thiết kế.
Khi Trung Quốc vào cuộc trong ngành sản xuất các linh kiện điện tử, Mỹ ngày càng khó kiểm soát được chất lượng phần cứng của các thiết bị quân sự của mình hơn. Lầu Năm Góc đã mua phải một số con chip giả trên thị trường mở nhằm duy trì các phương tiện cũ của mình. Những con chip này thường đến từ đống phế thải tập trung ở miền nam nước Trung Quốc sau khi được “mông má” lại.
Năm 2008, một cuộc điều tra của Cục Thương mại Mỹ đã phát hiện 7.400 linh kiện điện tử giả trong các phần cứng quân sự, trong khi năm 2005 các tài liệu nội bộ của Lầu Năm Góc cho thấy nhiều thiết bị của họ gặp sự cố có thể từ các linh kiện giả.
Ủy ban Thượng viện Mỹ cho rằng Trung Quốc phải có hành động dứt khoát và khai tử thị trường chợ đen linh kiện điện tử đang “đơm hoa kết trái” tại nước này.
Tuy nhiên, theo ông Song Xiaojun, cựu sỹ quan Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc nói rằng Mỹ “tự đặt mình vào hoàn cảnh đó”.
"Mỹ đã tự loại bỏ các nhà máy của mình từ năm 1960. Và từ hồi chính quyền Clinton, Mỹ nhắm mắt làm ngơ đối với các yêu cầu và tiêu chuẩn quân sự. Hệ quả của việc cắt giảm ngân sách quân sự là các nhà phân phối vũ khí sẽ cung cấp các vũ khí rẻ, kém chất lượng. Tuy nhiên, Mỹ không nên đổ lỗi cho Trung Quốc, đây là vấn đề của thị trường tự do. Mỹ có thể chọn giải pháp dùng hàng Hàn Quốc và Nhật Bản để thay thế, nhưng điều đó có thể khiến chi phí đội lên gấp trăm lần”, theo ông Song Xiaojun giải thích.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times hôm 6-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thừa nhận rằng ông có thể sẽ phải cắt giảm mua vũ khí mới vì ông đang phải nỗ lực nhằm giảm 450 tỉ USD ngân sách quốc phòng trong thập niên tới.
Bình luận (0)