Đến những người Hồi giáo theo dòng Sunni ở Iraq và Syria cũng một mực chối bỏ cái gọi là dòng Sunni mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng theo đuổi. Thế nhưng, trớ trêu thay, một phần không nhỏ những vũ khí tinh vi của nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới lại đến từ lượng vũ khí khổng lồ do Mỹ mua từ các nước châu Âu.
Gậy ông đập lưng ông
Báo cáo mới nhất từ tổ chức Nghiên cứu Xung đột vũ trang (CAR) công bố hôm 14-12 cho thấy hơn 1/3 số vũ khí IS sử dụng ở các chiến trường Iraq và Syria đến từ những nhà máy của các nước Liên minh Châu Âu (EU) ở Đông Âu, bao gồm Bulgaria, Romania, Hungary và Đức.
Tài liệu 200 trang, được coi là báo cáo toàn diện nhất từ trước tới nay về vũ khí của IS, chỉ rõ gói vũ khí hàng tỉ USD do Mỹ và Ả Rập Saudi mua từ các nước EU để cung cấp cho các lực lượng đối lập ở Syria đã rơi vào tay IS. Từ đó, 2 nước đi đầu trong liên minh chống IS đã gián tiếp cho phép nhóm thánh chiến này có được một số lượng đáng kể vũ khí chống thiết giáp, gồm cả tên lửa chống tăng cùng nhiều hỏa tiễn mang đầu đạn kép.
Khó có thể tin được "con đường" của những tên lửa chống tăng Mỹ tới tay IS chỉ trong vỏn vẹn vài tuần. Theo báo cáo, vào ngày 12-12-2015, Bulgaria xuất khẩu tên lửa chống tăng cho quân đội Mỹ thông qua một công ty ở bang Indiana có tên Kiesler Police Supply. Chỉ 59 ngày sau, cảnh sát Iraq thu giữ một mẫu tên lửa này trong kho vũ khí chiếm được của IS sau trận đánh ở Ramadi.
Ví dụ điển hình này phần nào làm nổi bật tình thế "gậy ông đập lưng ông", khi vũ khí do Mỹ cung cấp quay lại chống chính những đồng minh của Mỹ, định hình lại chiến trường và đe dọa cả những lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Syria (dù nhỏ) - lực lượng thường xuyên di chuyển trên những phương tiện không được thiết kế để chịu đựng vũ khí chống tăng!
Các nhà nghiên cứu của báo cáo - có được từ cuộc điều tra kéo dài 3 năm do EU và chính phủ Đức tài trợ - cho rằng việc Mỹ và Ả Rập Saudi chuyển giao vũ khí "ra lò" từ Đông Âu cho các lực lượng đối lập Syria là không hợp pháp, vi phạm các thỏa thuận mua bán vũ khí vốn đòi hỏi bên mua không được chuyển giao những vũ khí này cho bên thứ 3.
Bên cạnh cướp đoạt vũ khí của đối thủ, IS còn tìm cách tự sản xuất một số loại vũ khí tinh vi Ảnh: GLOBAL LOOK PRESS
Cách mạng công nghiệp của khủng bố
Dù vậy, cuộc điều tra được tiến hành với 40.000 vũ khí của IS cũng chưa làm rõ được liệu chúng chiếm số vũ khí này từ các chiến trường hay mua lại từ các nhóm nổi dậy Syria?
Việc IS sở hữu vũ khí do Mỹ bí mật cung cấp cho các lực lượng chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad thực sự là mối đe dọa lớn đối với liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu vẫn đang chiến đấu ở Syria. Mặt khác, CAR cảnh báo dù IS đang mất phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq, sự nguy hiểm vẫn chưa bị dập tắt khi nhóm thánh chiến này đã có được khả năng tự sản xuất những vũ khí tinh vi.
Các nhà điều tra của CAR cho biết họ phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy một chiến dịch hậu cần khổng lồ của IS nhằm cung cấp nguyên liệu thô cho bộ phận nghiên cứu và kỹ sư của nhóm khủng bố này, với mục đích phát triển những máy móc công nghiệp chiếm được và sản xuất nhanh các loại vũ khí, đạn dược.
"Điều này xác nhận giả thuyết của tôi rằng đây là cuộc cách mạng công nghiệp của chủ nghĩa khủng bố" - ông Damien Spleeters, người đứng đầu cơ quan của CAR ở Iraq và Syria, chia sẻ với trang Wired. Theo lời chuyên gia này, để phục vụ cho cái gọi là cách mạng công nghiệp đó, IS đang lùng sục những nguyên liệu thô với số lượng lớn. Nhóm khủng bố này còn biến cải một số rốc-két vác vai bằng cách dùng các nguyên liệu thô để giảm thiểu sức nóng khi phóng rốc-két - vốn rất nguy hiểm với người dùng ở những không gian hẹp như trong các đô thị.
"Kết hợp với sự vươn vòi ra toàn cầu, năng lực tổ chức và hậu cần, cùng sự ráo riết tuyển mộ khắp thế giới, tất cả yếu tố này đang chuyển biến thành năng lực lớn giúp IS có thể kích động nổi loạn và lan tràn chủ nghĩa khủng bố vượt ra ngoài khu vực" - CAR cảnh báo.
Bình luận (0)