Triển lãm nhằm cung cấp cho công chúng những thông tin hệ thống về đường đi và tác hại của chất độc da cam với con người, thiên nhiên và môi trường Việt Nam; diễn tiến vụ kiện của bà Trần Tố Nga; những cơ sở khoa học và pháp lý; sự đồng hành của bè bạn khắp nơi trên thế giới và trong nước trước, trong và sau vụ kiện.
Bên cạnh đó, tọa đàm "Vụ kiện da cam và hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam" diễn ra vào ngày 8-5 với các khách mời: bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin (VAVA), một trong 4 nguyên đơn vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam năm 2004; bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM; luật sư Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV; Vũ Thị Quyền, giảng viên Bộ môn Sinh học Trường Đại học Văn Lang; Trần Thị Mỹ Quyên - nạn nhân chất độc da cam, nhân viên Phòng Đào tạo Trường Đại học Hoa Sen, nhà sáng lập nhóm công tác xã hội "Tình thương".
Các khách mời sẽ cùng chia sẻ câu chuyện về những cơ sở khoa học, pháp lý của các vụ kiện từ năm 2004 đến vụ kiện của bà Trần Tố Nga; những yếu tố mới, những điểm thuận lợi trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga so với các vụ kiện trước đây; những kỳ vọng gì ở vụ kiện này? Cần hành động mạnh mẽ ra sao để tạo dư luận và kêu gọi tiếng nói của lương tri?...
Triển lãm “Vụ kiện da cam: 1 nguyên đơn - triệu nạn nhân” cung cấp thông tin về diễn tiến vụ kiện của bà Trần Tố Nga. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)
Những tưởng vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của VAVA cách nay 17 năm đã bị rơi vào quên lãng sau 3 lần bị Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ và Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện. Nhưng không, tháng 5-2014, một lần nữa 35 công ty hóa chất Mỹ lại nhận được đơn thông qua một tòa án Pháp, lần này nguyên đơn là một người Việt, mang quốc tịch Pháp - bà Trần Tố Nga.
Vào ngày 25-1-2021, Tòa Ivry tỉnh Esson (phía Nam Paris) đã mở phiên xét xử vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga - công dân Pháp gốc Việt - với các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe và để lại di chứng qua nhiều thế hệ của hàng triệu nạn nhân Việt Nam. Ngày 10-5-2021, kết quả vụ kiện sẽ được công bố.
Bình luận (0)